Nhà phát triển China Evergrande Group được tuyên bố là vỡ nợ trái phiếu bằng đồng USD vào cuối năm 2021. Đây là nạn nhân lớn nhất trong cuộc khủng hoảng ngành bất động sản Trung Quốc. Chính phủ đã vào cuộc để giám sát quá trình giải cứu, xoa dịu những lo ngại về ảnh hưởng đến nền kinh tế chung. Nhưng các trái chủ của Evergrande vẫn đang tự hỏi họ sẽ cầm về được bao nhiêu tiền khi mọi chuyện lắng xuống.
Evergrande đã phát triển như thế nào?
Ông Hứa Gia Ấn thành lập tập đoàn Evergrande của Trung Quốc vào năm 1996. Tuy sinh ra trong gia cảnh khó khăn, nhưng ông Hứa lại là người có chí tiến thủ. Thời điểm thành lập Evergrande, Trung Quốc đang bắt tay vào nhiệm vụ lớn là di chuyển hàng trăm triệu người từ nông thôn lên thành thị. Khi giá bất động sản tăng theo quá trình đô thị hóa, sự giàu có của ông Hứa cũng tăng theo.
Sau khi niêm yết công khai công ty vào năm 2009, ông Hứa Gia Ấn bắt đầu mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực mới. Evergrande nắm quyền kiểm soát câu lạc bộ bóng đá của Quảng Châu năm 2010 và chi khoong tiếc tay mua các cầu thủ nước ngoài. Sau đó, tập đoàn này chuyển sang kinh doanh sữa, ngũ cốc và dầu. Gần đây nhất, Evergrande còn lấn sân sang cả lĩnh vực xe điện.
Khi công việc kinh doanh thuận lợi, ông Hứa thu hút hàng chục tỷ USD từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng như các khoản vay rẻ từ các ngân hàng Trung Quốc. Ông còn giữ mối quan hệ chính trị tốt đẹp với nhiều bên. Chính điều đó là yếu tố khiến các nhà đầu tư và các ngân hàng tin tưởng và tiếp tục cho Evergrande vay.
Trong nhiều năm, các cơ quan quản lý từng cố gắng kiểm soát hoạt động kinh doanh của Evergrande, sau đó lại nới lỏng ngay. Đến năm 2019, ông Hứa Gia Ấn trở thành một trong những “ông trùm” phát triển bất động sản giàu nhất Trung Quốc và hàng đầu thế giới. Trên trang web chính thức, tập đoàn này cho biết họ sở hữu 1.300 dự án tại 280 thành phố.
Cách đây vài năm, khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, các nhà phát triển như Evergrande cảm thấy họ đã mở rộng quá mức và bắt đầu gặp khó. Trước nỗi lo về thanh khoản hồi năm 2020, Evergrande đã vạch ra kế hoạch giảm gần một nửa trong số 100 tỷ USD nợ của mình đến giữa năm 2023. Nhưng thị trường nhà đất Trung Quốc bắt đầu chậm lại và các cơ quan quản lý siết chặt hoạt động cho vay quá mức.
Các vấn đề về vay nợ sau đó đã khiến cổ phiếu và trái phiếu của công ty sụt giảm. Sau khi thanh toán trễ một số trái phiếu bằng đồng USD, công ty đã lỡ hạn thanh toán hai lô trái phiếu vào tháng 12/2021. Một ủy ban quản lý rủi ro đã nhanh chóng được thành lập để ngăn ngừa sự sụp đổ hoàn toàn và hướng dẫn tái cấu trúc công ty.
Một kế hoạch tái cấu trúc được công bố vào đầu tháng 3/2023 đề xuất rằng các nhà đầu tư trái phiếu Evergrande có thể hoán đổi nợ bằng trái phiếu mới có thời hạn 10-12 năm hoặc chuyển đổi nợ thành các lô trái phiếu mới có thời hạn từ 5-9 năm.
Evergrande cũng chuẩn bị thông tin cho các chủ nợ, bao gồm cả phân tích phục hồi do Deloitte thực hiện. Luật sư của Evergrande cho biết mức phục hồi trung bình đối với trái phiếu Evergrande sẽ là 22,5%.
Tình hình tài chính của Evergrande giờ ra sao?
Các kết quả kinh doanh bị trì hoãn từ lâu cuối cùng cũng được công bố vào tháng 7/2023. Evergrande đã công bố khoản lỗ tổng cộng 81 tỷ USD cho năm 2021 và 2022. Doanh thu của tập đoàn đã giảm một nửa vào năm 2021 xuống còn khoảng 250 tỷ nhân dân tệ (35 tỷ USD) và giảm một lần nữa vào năm 2022 xuống còn 230 tỷ nhân dân tệ.
Trong khi đó, đống nợ của các nhà phát triển đã tăng vọt, với tổng nợ phải trả lên tới 2,58 nghìn tỷ nhân dân tệ vào cuối năm 2021, tương đương gần 360 tỷ USD, sau đó giảm nhẹ xuống 2,44 nghìn tỷ nhân dân tệ vào tháng 12/2022.
Theo các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, tính đến cuối năm 2022, quỹ tiền mặt eo hẹp của công ty là 4,3 tỷ nhân dân tệ, rất ít so với khoản nợ ngắn hạn khoảng 587 tỷ nhân dân tệ.
Trong năm 2023, hoạt động trên các công trường xây dựng của Evergrande dường như đang trở lại bình thường. Chủ tịch Hứa Gia Ấn cho biết trong một cuộc họp nội bộ vào thánh 7 rằng một số dự án đang “gần đến đích” để bàn giao. Các dự án dở dang chủ yếu nằm ở các thành phố như Côn Minh hoặc Quý Dương.
Nhà phát triển vẫn chịu áp lực pháp lý, đối mặt với 1.601 vụ kiện liên quan đến 383 tỷ nhân dân tệ về các đơn vị bất động sản.
Cho đến ngày 17/8, Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 tại New York để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp ở Mỹ khỏi các chủ nợ.