Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận đề xuất đưa môn bơi lội vào giảng dạy tại các cấp học bắt đầu từ năm học 2017-2018. Tuy nhiên, đa số bể bơi đều được tư nhân hóa và hoàn vốn bằng các khoản đóng góp của học sinh.
Theo thông tin từ sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bình Thuận, từ năm học 2017 -2018, bơi lội sẽ trở thành môn học chính khóa và được đưa vào chương trình giảng dạy ở tất cả các cấp học. Cụ thể, đối với bậc tiểu học, tiêu chuẩn là 12 tiết/năm, bậc THCS và THPT, “định mức” dành cho môn bơi lội tại trường là 16 tiết/năm học.
Thực tế, hầu như mới chỉ có các trường tư thục đầu tư xây dựng bể bơi, còn lại, gần như 100% số trường công lập trên địa bàn toàn tỉnh đều không có hệ thống hồ bơi, bể bơi đạt tiêu chuẩn. Để giải bài toán “hóc búa” này, sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận đã lên phương án “xã hội hóa” bể bơi trường học. Theo đó, nhà đầu tư sẽ bỏ vốn đầu tư xây dựng bể bơi, chi phí vận hành, sau đó sẽ thu hồi vốn từ các đóng góp của học sinh.
Học sinh học bơi ở các cơ sở dạy bơi tư nhân. |
Trao đổi với PV, ông Võ Văn Khải, chuyên viên phụ trách giáo dục thể chất sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết: “Theo kế hoạch tại huyện miền núi Tánh Linh đã có 48/48 trường tiểu học, THCS dạy môn bơi lội, cứu đuối cho học sinh, với 16 hồ bơi cố định và 6 hồ bơi di động do tư nhân đầu tư xây dựng. Còn tại TP.Phan Thiết, theo chỉ đạo của phòng GD&ĐT, học sinh 2 khối lớp 8 và 9 của các trường nội thành bắt buộc học môn bơi. Riêng khối lớp 6 và 7 thì tự nguyện nhưng tất cả đều phải đến các hồ bơi do doanh nghiệp đầu tư hoặc các resort vì hầu hết các trường đều không có hồ bơi”.
Liên quan đến việc này, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận cho hay: “Nếu trường nào cũng xây dựng bể bơi thì nguồn kinh phí quá lớn, ngân sách của tỉnh hay ngành giáo dục không thể cáng đáng nổi. Do đó, Sở chỉ đạo xã hội hóa. Phương án hiện tại là đối với những trường chưa có hồ bơi, nhà trường chủ động hợp đồng cụ thể với các trường học lân cận có hồ bơi để tổ chức cho học sinh học tập. Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư có khả năng để xã hội hóa việc xây lắp hồ bơi tại trường”.
Về phương thức hoàn vốn, ông Thái cho biết: “Việc tư nhân bỏ vốn để xây dựng hoặc lắp ráp hồ bơi tương tự như hình thức BOT nên họ phải thu hồi vốn bằng các khoản đóng góp của học sinh. Theo tính toán, dự kiến, trường sẽ thu khoảng 12.500 đồng/tiết/học sinh.
Với mức phí này, mỗi học sinh THCS, THPT phải đóng ít nhất 200.000 đồng/năm; học sinh tiểu học ít nhất 150.000 đồng/năm. Tuy nhiên, thực tế, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều gia đình đối tượng chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Do đó, đối với học sinh thuộc diện nghèo, gia cảnh khó khăn, Sở chỉ đạo các trường không thu phí học bơi”.
Học sinh háo hức, phụ huynh bức xúc
Trước thông tin trên, nhiều học sinh trên địa bàn TP.Phan Thiết nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung rất háo hức. Em Nguyễn Mạnh Hà, học sinh lớp 10 trường THPT Phan Thiết (TP.Phan Thiết, Bình Thuận) cho biết: “Em thích bơi từ khi 7-8 tuổi nhưng muốn đi bơi thì chỉ có nước trốn bố mẹ ra sông, suối. Nay trường đưa môn bơi vào dạy, chúng em có chỗ tập luyện mà không lo bị đuối nước”.
Háo hức với môn học mới, nhưng một số học sinh nữ tỏ ra khá băn khoăn. Em Trần Thị Thùy Chi, lớp 12 trường THPT Phan Thiết bày tỏ: “Đa số nữ sinh chúng em đều không biết bơi và rất muốn có cơ hội học bơi để sử dụng khi cần thiết. Thế nhưng, điều chúng em băn khoăn là cách học như thế nào, trang phục ra sao. Mang áo quần thể dục nhảy xuống hồ bơi tập thì cũng kỳ, mà mua đồ bơi lại tốn thêm tiền của cha mẹ. Rồi khi học, nam nữ học chung hay riêng...”.
Ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận cho rằng, dạy môn bơi trong trường học rất thiết thực. |
Trong khi đó, không ít phụ huynh lại tỏ ra khá bức xúc. Ông Đào Mạnh Cường, có con đang theo học bậc THCS ở TP.Phan Thiết cho rằng: “Việc thay đổi chương trình học, bắt buộc học sinh phải học môn bơi chứ không được lựa chọn các môn khác như trước đây là không thể chấp nhận. Con tôi biết bơi từ nhỏ, nay học bơi làm gì nữa. Tôi muốn cho con theo nghiệp cầu lông, cháu nó cũng mê chơi cầu lông mà giờ trường bắt học bơi thì không hợp lý”.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Lê Thu, phụ huynh ở huyện miền núi Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) cho hay: “Tôi cả thảy có 4 đứa con từ bậc tiểu học cho đến trung học phổ thông. Lo cho chúng ăn học thôi cũng đủ mệt mỏi lắm rồi. Nay trường “đẻ” thêm môn bơi bắt tôi đóng thêm 200.000 - 300.000 đồng mỗi đứa/năm, chưa kể tiền mua đồ bơi cho chúng, tính ra tiền triệu chứ không ít. Thử hỏi với gia đình làm nông như chúng tôi thì đào đâu ra tiền để cho con đi... bơi”.
Thắc mắc về phương thức “xã hội hóa” bể bơi trường học, một số phụ huynh nhận định, đây là phi vụ đầu tư không bao giờ lỗ. Cha mẹ đóng tiền để con được đi học. Nhưng đề án không nói rõ nhà đầu tư sẽ thu phí bao lâu, hư hỏng, sự cố ai chịu trách nhiệm... “Không lẽ bỏ tiền đầu tư một lần là cứ ngồi mát ăn bát vàng, học trò đi học năm nào cũng đóng tiền học bơi, trong khi 5 năm, 10 năm thậm chí 20 năm vẫn một cái hồ bơi đó...”, một phụ huynh nêu vấn đề.
Theo Nguyễn Hưng (Nguoiduatin.vn)