Sụp đổ vì một lần mất niềm tin
Xu hướng chung trong mua sắm tiêu dùng của người dân hiện nay là họ sẽ ưu tiên tìm mua, sử dụng những sản phẩm uy tín, có thương hiệu. Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, người tiêu dùng hiện nay lựa chọn các sản phẩm bằng việc họ sẽ tìm hiểu xem sản phẩm đó có được tiêu thụ nhiều hay không, “danh tiếng” lan tỏa ra sao, chứ không chỉ là câu chuyện giá cả.
Cũng theo vị chuyên gia này, có tới 88% lượng khách hàng dựa vào thương hiệu sản phẩm để lựa chọn. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu đối với mỗi DN là rất quan trọng. “Các bà nội trợ, khi đi chợ mua con gà, con cá cũng phải ra hàng quen mua, vì chắc chắn quen sẽ yên tâm hơn. Hay khi mua hàng online, họ cũng sẽ phải xem thông tin sản phẩm đó lượng khách “comment” về chất lượng sản phẩm tốt xấu ra sao…” – ông Thịnh nói và khẳng định, yếu tố mà DN cần làm là làm sao chuyển tải được thông tin về thương hiệu của mình đến với người tiêu dùng nhanh và rộng nhất.
Trong cuộc đua khốc liệt trên thương trường hiện nay, những DN biết xây dựng và bảo vệ thương hiệu chắc chắn sẽ đứng vững. Ngược lại, những DN có tư duy “ăn xổi” sẽ khó sống. Cứ nhìn vào Seven.AM, Asanzo, Khaisilk sẽ thấy rất rõ. “Hành động cắt nhãn mác của Seven.AM chắc chắn sẽ khiến xã hội quay lưng, cho dù họ có thanh minh thế nào, và kể cả sau này họ tìm cách lấy lại chữ tín, cũng không bao giờ có được” – một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.
Xây dựng thương hiệu không chỉ ở logo, slogan ấn tượng
Vẫn theo PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, tạo thương hiệu không chỉ là xây dựng một logo hay một câu slogan ấn tượng… mà quan trọng là xây dựng được chữ tín. Thử tưởng tượng một nhà hàng kinh doanh lĩnh vực ăn uống, nếu nhân viên hôm nay ra chợ mua thực phẩm kém chất lượng, ngày mai đi cũng tìm mua những thứ “ế ẩm” về chế biến, thì chắc chắn nhà hàng đó sẽ không tồn tại được lâu. Do đó, xây dựng thương hiệu không thể tách rời khỏi hoạt động kinh doanh. Nếu người chủ DN nhà hàng ăn uống đó luôn tôn trọng khách hàng, yêu cầu nhân viên sử dụng thực phẩm chất lượng để chế biến, nhưng chỉ cần một nhân viên làm sai, ham rẻ chắc chắn nhà hàng đó sẽ phá sản.
“Từng ngày, từng giờ, từng người trong một tập thể đều góp phần tạo thương hiệu và gìn giữ nó. Chỉ cần một cử chỉ, thái độ của một trong số các nhân viên không tốt, là thương hiệu của DN đó sẽ sụp đổ” – ông Thịnh nhấn mạnh và nêu quan điểm: Làm thế nào để người tiêu dùng cảm thấy mình được tôn trọng, tự tin hơn khi sử dụng sản phẩm... đó là cách mà mỗi DN cần phải tạo dựng?
Có thể khẳng định, xây dựng thương hiệu là một quá trình dài, không ngừng nghỉ của DN. Theo các chuyên gia kinh tế, cái đích cuối của kinh doanh là bán được sản phẩm, mà để bán được thì khách hàng phải tin, phải hiểu, như vậy, điều mà DN cần hướng tới chính là lợi ích của khách hàng. Và để đạt được cái đích đó, DN phải xác định ngay từ đầu mục tiêu và nó phải được thể hiện trong tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh, tương tác với đối tác, khách hàng, thị trường… Đó cũng là điểm cần thiết nằm trong chiến lược kinh doanh của mỗi DN. Và khi vẫn còn tồn tại tư duy “ăn xổi”, chỉ cần bán hàng được một lần, không cần biết đến lần sau, chắc chắn DN đó sẽ bị loại khỏi thương trường.
Theo Minh Phương (Đại Đoàn Kết)