“Từ khi học lớp 7, tôi đã phải đi bán kem lấy tiền phụ học phí cho mẹ. Học xong 12, tôi khăn gói lên Hà Tây (Hà Nội hiện tại) làm phụ hồ vì biết gia đình không đủ tiền trang trải cho tôi học đại học. Cũng nhờ có sức khỏe và chăm chỉ, tôi được trả 11.000 đồng/ngày thay vì chỉ 9.000 đồng như nhiều người khác”, ông Ngô Xuân Mạnh, Tổng giám đốc Công ty Đại Việt, nhớ lại khoảng thời gian 28 năm về trước.
Cầm số tiền 660.000 đồng sau 2 tháng phụ hồ, ông Mạnh mua vé tàu vào Sài Gòn hết gần 400.000 đồng, còn gần 200.000 đồng mua được chiếc xe đạp cũ mong tìm cơ hội thoát nghèo. Không bằng đại học, không định hướng rõ ràng, ông xin được gì làm nấy và kinh qua đủ nghề, từ phụ hồ, vệ sĩ đến vẽ phim hoạt hình cho công ty Hàn Quốc.
Năm 1998, sau 2 năm ở Sài Gòn, ông nhận được thư của người anh ruột đang lao động tại Nga. Hành trình bôn ba đất khách bắt đầu khi ông được anh lo tiền học và ăn ở, tìm kiếm cơ hội làm ăn.
“Sáng tôi đến trung tâm học bảng chữ cái, ghép vần, chiều ra trung tâm thương mại đứng nghe người ta nói, tối về các anh chị cùng phòng chỉ bảo. Sau 3 tháng, tôi dần học được hơn chục câu về chào hỏi, vài chục câu về giá cả và bắt đầu tập tành kinh doanh”, ông Mạnh kể.
Với số vốn ban đầu là 50 đôla còn lại trong túi khi đến thủ đô Moscow, ông bắt đầu kinh doanh khi chưa biết thị trường, sản phẩm, tập quán tiêu dùng, thời tiết khí hậu của nước Nga. Không tiền thuê mặt bằng, ông suy nghĩ và chọn kinh doanh sản phẩm vốn ít và không cần quan hệ bạn hàng, không cần mặt bằng. Ông quyết định thử mua vài đôi tất (vớ) từ chợ bán buôn nhảy lên xe buýt sang chợ bán lẻ. Không có tiền đầu tư tất thời trang, ông Mạnh xác định đối tượng khách hàng của mình nằm ở phân khúc trung niên 40-50 tuổi, không yêu cầu cao về thẩm mỹ, mà chỉ quan tâm về chất lượng. Vì ít vốn nên một ngày ông phải chạy nhiều vòng lấy hàng, công việc vất vả từ 6h sáng đến tối khuya.
May mắn đến với ông khi ban quản lý chợ vòm tại Moscow cho thuê gian hàng mới không phải đóng phí trong 6 tháng, có được chút vốn từ công việc bán tất, ông mở rộng mặt hàng kinh doanh sang áo thun, đồ lót phụ nữ. Ông phải làm mọi việc từ mua hàng, bán hàng, khuân vác, đóng gói, vận chuyển... Ông Mạnh bảo công việc này còn vất vả hơn cả anh cửu vạn.
Công việc chưa ổn định với thu nhập vài trăm đôla một tháng, ông nhận được tin mẹ bị tai biến lần 2 và có nguy cơ không qua khỏi. Đó cũng là lần đầu tiên một thanh niên chưa từng biết đến mất ngủ đã thức trắng 2 đêm. Trăn trở với quyết định về hay ở, ông Mạnh chọn ở lại để kiếm tiền chi trả viện phí cho mẹ, khi mỗi mũi tiêm duy trì sự sống cho bà tính bằng tiền trăm đôla. Ông dặn người nhà còn nước còn tát vì mẹ là tất cả với ông.
6 tháng sau khi thu hút nhiều tiểu thương buôn bán, khu chợ mới bắt đầu rao bán với giá 75.000 đôla mỗi gian hàng. Biết mình không đủ tiền, ông Mạnh nhượng lại gian hàng cho người khác mua, rồi tiếp tục thuê lại của người chủ mới. Gọi là gian hàng nhưng thực chất được ghép lại từ 2 chiếc container, tầng dưới để buôn bán, tầng trên làm kho. Ông cũng thuê được một cửu vạn người Pakistan phụ dỡ và xếp hàng.
Có kinh nghiệm và khách hàng, ông đầu tư 20.000 đôla mở rộng sang hàng đồ lót mùa đông. Nhưng con đường kinh doanh không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Dự báo được thời tiết, thị hiếu, nhu cầu thị trường, nhưng ông Mạnh không lường trước thời gian hàng về chủ hàng giao trễ.
“Ở Nga buôn bán tính thời vụ rất cao, đồ thời trang đã qua mùa lỗi mode thì bán không ai mua, cho không ai lấy. Lô hàng đó lỗ đến 90%. Tôi nhận được bài học xương máu đầu đời”, ông Mạnh kể.
Sau đó, ông tập trung vào mặt hàng có tính rủi ro thấp hơn và ký hợp đồng với chủ hàng với những ràng buộc kỹ hơn để đảm bảo đúng thời gian hàng về.
Gần 3 năm kinh doanh giúp ông nhận ra ở nước Nga dù thu nhập khá nhưng không thể có nền tảng vững vàng vì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ông thấy nếu ở Nga thêm 10 năm nữa có thể kiếm được hàng triệu đôla nhưng khi về nước cũng đã qua tuổi lập nghiệp không đủ thời gian thể xây dựng được cái gì mang tính lâu dài bền vững. Thêm vào đó, thời gian ở Nga ông chứng kiến những cái nhìn coi thường, thái độ kỳ thị của người phương Tây đối với người châu Á nói chung. Đó là nền tảng để ông nuôi ước mơ xây dựng sự nghiệp có ích cho cộng đồng và có thể làm một người Việt ngẩng cao đầu.
Một lần nữa, ông quyết định nhượng lại toàn bộ hàng hóa và khăn gói về nước.
Khoản tiết kiệm sau 3 năm kinh doanh tại Nga, ông Mạnh mua được căn nhà rộng chừng 28 m2 tại Sài Gòn và dư ra vài trăm triệu đồng. Quyết tâm về nước nhưng ông vẫn chưa có định hướng rõ ràng, chỉ biết phải về Việt Nam trước tiên là gần mẹ báo hiếu mẹ và phải làm được cái gì đó lớn lao hơn việc kinh doanh thuần túy, phải tốt cho xã hội, tốt cho đất nước.
Trong thời gian chờ đợi, ông vào làm coi kho về đêm cho công ty máy lạnh. Tháng lương đầu tiên ông nhận được là 800.000 đồng. Không ít người bảo ông điên rồ khi bỏ thu nhập nghìn đô để đổi lấy tiền lương ba cọc ba đồng.
Không suy nghĩ nhiều, ông vừa làm, vừa tìm hướng đi. Khoảng thời gian làm thủ kho cũng giúp ông biết thêm về quy trình, thủ tục giấy tờ, văn hóa kinh doanh công ty Việt Nam. Dần dần, kinh nghiệm quản lý kho của ông ngày một dày lên. Ông đầu tư nhiều cho việc học, ban đầu học sử dụng máy tính, sau đó học kỹ thuật điện lạnh, học nghiệp vụ tài chính kế toán, học ở trường, bạn hàng, nhân viên và từ công việc hàng ngày. Thiếu gì, ông bổ sung trong quá trình làm, không học được dài hạn thì học ngắn hạn…..
4 tháng sau, ông đề xuất chuyển qua bộ phận kinh doanh. Biết mình chưa có kinh nghiệm, chưa thể bán cho khách hàng lớn, ông Mạnh tập trung vào những cửa hàng, đại lý nhỏ. Thay vì nhân viên kinh doanh khác chỉ đi chăm sóc đại lý lớn, chỉ chào hàng 4-5 cửa hàng/ngày, ông đi chào 20 đại lý mỗi ngày với quãng đường di chuyển có thể lên đến hàng trăm km mỗi ngày. Ngay quý đầu bắt tay vào công việc mới, ông đã hoàn thành chỉ tiêu.
Nhận thấy các cửa hàng nhỏ thường thụ động, ngồi chờ khách đến, ông tìm cách hỗ trợ họ. Hàng ngày, ông Mạnh kiêm thêm việc phát tờ rơi đến từng công trình đang thi công để tìm khách cho đại lý của mình.
“Người ta thường đạt đủ doanh số là nghỉ nhưng tôi muốn làm tốt hơn nữa. Tôi không chỉ cố gắng bằng sức của mình mà thuê thêm nhân viên, lấy tiền túi trả lương”, ông Mạnh kể.
Ông tự thuê phòng trọ làm kho chứa hàng phục vụ khách có nhu cầu ngoài giờ trong khi nhân viên tiếp tục khảo sát và mở rộng thị trường. Doanh số của ông chiếm 35% toàn chi nhánh miền Nam là câu trả lời cho hơn một năm nỗ lực.
Ông Mạnh kinh doanh với tiêu chí nhân sự là tài sản lớn và quan trọng nhất, khách hàng là tài sản thứ hai, tiền chỉ là công cụ không phải là mục đích cuối cùng.
Xây dựng được hệ thống khách hàng thân thiết cùng kinh nghiệm làm ở bộ phận kinh doanh, ông Mạnh mở công ty phân phối hàng điện lạnh năm 2005. Từ căn nhà rộng 4 m, sâu 7,2 m vừa là nơi ngủ, vừa làm công ty, vừa để vật tư. Cả công ty có một chiếc máy tính để bàn, 3 nhân viên, còn ông giám đốc kiêm luôn nhiệm vụ mua hàng, bán hàng, giao hàng và làm công nợ.
Đặt tiêu chí không tuyển nhân lực của đối thủ, không dùng tiền chiêu dụ người khác, ông Mạnh tập trung vào nguồn sinh viên mới ra trường rồi đào tạo từ đầu; coi trọng nhiệt huyết, chân thành hơn tài năng. “Tôi không quan trọng chỉ số IQ nhân viên mình bao nhiêu mà bắt buộc các bạn phải có chuẩn mực đạo đức, chịu khó, làm gì cũng phải đặt cái tâm của mình vào”, ông nói.
Trong quản lý, ông học cách xây dựng đội ngũ nhân sự gắn bó lâu dài của người Nhật. Trong số nhân viên hiện tại, rất nhiều người làm với ông từ khi công ty mới thành lập, gõ máy tính bằng một ngón tay, khi là sinh viên nghèo không đủ tiền đổ xăng, đến trưởng phòng, giám đốc, chỉ huy trưởng như hiện tại.
Có được thành công bước đầu, ông nghĩ đến con đường xa hơn bằng việc xây dựng website cho công ty. Cái tên “Tập đoàn Đại Việt” khiến gia đình, bạn bè bật cười bởi quy mô công ty khi ấy chỉ vọn vẹn 13 người. Ông chủ công ty chỉ biết gãi đầu cười trừ.
“Tôi muốn công ty mình lớn mạnh hơn và đưa mình vào thế không còn đường lui, buộc mình phải làm. Không ai lên dây cót cho mình, tự bản thân phải tạo động lực. Tôi đặt mục tiêu 10 năm sau phải lên được tập đoàn nên quyết định đặt tên website là Tập đoàn Đại Việt” tapdoandaiviet.com.vn ngay từ khi công ty mới có hơn 10 người.
TGĐ Đại Việt luôn đưa các kế hoạch kinh doanh ngoài sức tưởng tượng của mọi người với niềm tin vào bản thân và cộng sự. Luôn chọn những điều khó và khác biệt nhất để làm.
Ông chia sẻ: “Khi xác định được mục tiêu, hiểu được việc mình làm, có kiến thức về nó thì cơ hội thắng dù chỉ 1% cũng phải cố gắng để phát triển mạnh mẽ nhất”.
Năm 2007, cuộc khủng hoảng kinh tế khiến nhiều công ty phải dừng lại và hạn chế đầu tư. Đại Việt chớp lấy cơ hội vì biết công ty chưa có thương hiệu, nguồn vốn lại ít, không cạnh tranh được “ông lớn” cùng lĩnh vực ở thời điểm thị trường phát triển tốt. Vì vậy khủng hoảng thị trường lại là cơ hội cho Đại Việt vươn lên.
Toàn bộ số tiền tích cóp được trong suốt sự nghiệp đến năm 2007 cộng tiền huy động từ bạn bè, các cổ đông ở Nga, nhà, đất thế chấp ngân hàng, ông đổ vào lần đầu tư này với suy nghĩ: “Được ăn cả, ngã về không” và tập trung vào dự án lớn.
Thời gian khủng hoảng cũng là lúc vật tư, máy móc xuống giá nhiều công ty phá sản. Vì vậy năm 2008, ông mua lại một công ty sản xuất sản phẩm cơ khí điện lạnh và đầu tư mở rộng nhà xưởng để chủ động về giá, chất lượng. Đồng thời năm đó, công ty bắt tay vào nghiên cứu máy làm mát Nakami - sản phẩm thân thiện môi trường, tiết kiệm chi phí đầu tư và đặc biệt hoàn toàn mới chưa có người làm, phù hợp với kiến trúc xây dựng Việt Nam.
Năm 2014, khi kinh doanh máy làm mát dân dụng được năm thứ 2, thấy được tiềm năng sản phẩm, ông đánh liều đặt mục tiêu tăng trưởng 1.000% và đầu tư hơn 100% những gì mình có. Toàn bộ tài sản thế chấp ngân hàng và đi vay thêm của nhân viên, người thân. Năm đó trời không phụ người có lòng, công ty tăng trưởng gần 1.000%.
Quan niệm bán rẻ, bán nhanh, lãi ít, số lượng nhiều giúp tổng lãi vẫn đạt được như kỳ vọng lại giảm được rủi ro hàng tồn được ông áp dụng trong suốt thời gian kinh doanh. Thay vì lãi nhiều, ông bán rẻ hơn đối thủ cạnh tranh từ 7-10%, đổi lại đối tác sẽ trả trước toàn bộ hoặc một phần tiền hàng. Nỗi lo của khách hàng được ông khắc phục bằng cách dùng tiền bảo lãnh qua ngân hàng và chi phí bảo lãnh rẻ hơn rất nhiều chi phí lãi vay làm giảm gánh nặng tài chính. Nhờ vậy, ông lần lượt bắt tay với những dự án lớn.
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm đó không làm công ty lao đao, mà ngược lại tạo ra bước phát triển lớn thay đổi hoàn toàn thương hiệu công ty.
Đại Việt từng bước xây dựng hàng loạt thương hiệu máy làm mát Daikio, Nakami, máy lọc nước Daikiosan, Makano, Takasa với nhiều phân khúc khác nhau. Từ 2013-2018 Đại Việt xây dựng hệ thống đại lý thần tốc đạt gần 7.500 đại lý, gần 200 nhà phân phối, tốc độ tăng trưởng doanh số ngành hàng máy làm mát 5 năm gần đây luôn đạt từ 200% đến 500%.
Năm 2016, Đại Việt bắt tay vào nghiên cứu máy lọc nước. Máy lọc nước Daikiosan và Nakami ra đời chưa đầy 6 tháng đã xuất xưởng được gần 100.000 sản phẩm tính đến tháng 11 đã lọt vào top 3 thương hiệu máy lọc nước được bán nhiều nhất Việt Nam.
Kết quả này không quá khó hiểu bởi vì bước chân vào ngành nước, Đại Việt không hoàn toàn đặt giá trị lợi nhuận lên hàng đầu mà đặt mục tiêu tạo ra một sản phẩm tốt cho xã hội, tốt cho người dân. Đó là lý do tại sao sản phẩm Đại Việt cao cấp nhưng giá lại phù hợp với đại đa số người dân với nhiều phân khúc khác nhau.
“Tôi muốn tập trung vào 3 lĩnh vực: Không khí, nguồn nước và thực phẩm sạch - những thứ mà dù phát triển đến đâu thì con người vẫn cần. Không có ti vi, tủ lạnh, con người không thể chết. Nhưng không khí ô nhiễm, thực phẩm bẩn, máy lọc nước không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người”, ông Mạnh giải thích.
Là người yêu nghành kỹ thuật, ông Mạnh tìm hiểu và nhập từng thiết bị, linh kiện từ những nước có thế mạnh nhất: Màng lọc RO từ Tập đoàn Dow của Mỹ, cốc lọc và bơm từ Đài Loan, lõi khoáng từ Hàn Quốc, các linh kiện đầu vào đạt chuẩn quốc tế như NFS (Mỹ), SGS (Thụy Sỹ). Nước đầu ra sẽ được giám sát chất lượng bởi Viện Y tế Công cộng TP.HCM thuộc Bộ Y tế. Tất cả các lô hàng đều được lấy mẫu thử nghiệm đảm bảo chất lượng mới được xuất xưởng.
Đặt chân vào 2 lĩnh vực nguồn nước và không khí, Đại Việt thể hiện tham vọng kinh doanh thực phẩm organic thời gian tới. Tuy nhiên, dự định này sẽ được triển khai sau khi máy lọc nước đạt ít nhất 30% thị phần Việt Nam và xuất khẩu tới 60% các nước khu vực Đông Nam Á. Vì theo quan niệm của ông, làm bất kỳ sản phẩm nào cũng cần tập trung chuyên sâu và phải dẫn đầu thị trường.
Trước khi tiến tới lĩnh vực mới, ông Mạnh vẫn đau đáu mong muốn cải thiện nguồn nước cho người Việt. Cũng từ đó, dự án Ngày nước tái sinh () được ông phổ biến đến toàn công ty. Mỗi tháng, Đại Việt sẽ chọn những khu vực khó khăn để lắp đặt hệ thống máy lọc nước Daikiosan.
Tháng 11 vừa qua, 480 hộ dân tại khu Mả Lạng, quận 1 đã được tặng hệ thống máy lọc nước với công suất lọc lên đến hơn 20.000 lít/ngày. Chiến dịch không chỉ mang đến niềm vui, góp phần cải thiện thói quen uống nước của người dân mà còn lan toả trong cộng đồng. Chương trình đã nhận được hơn 500 gợi ý lắp đặt các địa điểm tiếp theo. Trong năm 2019 và 2020, Ngày nước tái sinh sẽ mang máy lọc nước đến cho các bệnh viện, làng ung thư, khu vực dân nghèo, bến xe…. trên cả nước với kinh phí dự kiến trên 20 tỷ đồng.
“Kinh doanh tất yếu phải có truyền thông, nhưng điều tôi đặt lên hàng đầu là cải thiện nguồn nước cho người dân Việt, đặc biệt ở những vùng khó khăn”, ông Mạnh nói.
Nỗ lực vì sứ mệnh bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và thân thiện môi trường của Đại Việt còn được ghi nhận bằng phần thưởng cúp vàng Vì sự nghiệp bảo môi trường do Bộ Tài nguyên và môi trường trao tặng.
Sau gần 16 năm hình thành và phát triển, Đại Việt đã trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực làm mát và xử lý nước. Công ty đã phát triển quy mô lên 1.000 công nhân viên cùng hệ thống phân phối trải khắp cả nước với hơn 7.500 điểm bán hàng, cung cấp hàng triệu sản phẩm ra thị trường mỗi năm.
Thành công của công ty tiếp tục được minh chứng bằng danh sách nối dài những dự án cung cấp và thi công hệ thống máy làm mát nhà xưởng, máy lọc nước cho hàng nghìn công trình như Tập đoàn ôtô Trường Hải, Mecerdez, Lusuz, Hutech, Tập đoàn Dệt may Việt Nam…
Bên cạnh chiến dịch Ngày nước tái sinh, Đại Việt còn ghi dấu ấn với nhiều chương trình thiện nguyện, vì cộng đồng. Công ty tài trợ máy lọc nước cho Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, dự án “Cõng điện lên bản” của Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh…
Theo Giang Di Linh (Tri Thức Trực Tuyến)