TS. Nguyễn Đình Cung: 'Nếu cho cơ chế đặc thù nền kinh tế sẽ 'nát' thêm'

12/04/2018 11:02:37

“Nếu quyền sử dụng đất trở thành quyền tài sản của người sử dụng, được mua bán đàng hoàng sẽ không có chuyện người ta bán đất cho người nước ngoài. Bởi họ chỉ được thuê trong một thời hạn nhất định thì họ sẵn sàng bán đi khi được trả giá cao”, bà Phạm Chi Lan nhận định.

TS. Nguyễn Đình Cung: 'Nếu cho cơ chế đặc thù nền kinh tế sẽ 'nát' thêm'
TS. Nguyễn Đình Cung tỏ ra thất vọng với cách xin cơ chế đặc thù của TP.HCM (Ảnh minh họa

Tại hội thảo “Kinh tế vĩ mô quý I.2018: Diễn biến và yêu cầu cải cách mới” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra nhiều tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam.

TPHCM xin cơ chế đặc thù, Hà Nội không áp dụng

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay một thực trạng là các địa phương thay nhau xin cơ chế đặc thù.

Sau TP.HCM, Hà Nội, 3 thành phố tiếp theo là Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng tiếp tục xin cơ chế đặc thù. Sau 3 thành phố này, rồi các tỉnh khác cũng sẽ xin đặc thù.

“Các tỉnh xin đặc thù đều theo kiểu xin - cho. Tôi đề nghị các địa phương xin thì phải xin cơ chế thị trường. Cá nhân tôi rất thất vọng với TP.HCM khi xin đặc thù cho đất đai. Đáng lẽ với vị thế của một trung tâm thì TP.HCM phải xin cái gì đáng xin của nền kinh tế thị trường chứ không nên xin cho thêm một vài quyền này, quyền kia.

Trong khi Hà Nội lại tìm một phương thức, cách thức quản trị mới theo cơ chế thị trường để giải quyết vấn đề chứ không xin thêm những thứ như chúng ta nhìn thấy”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

TS. Nguyễn Đình Cung: 'Nếu cho cơ chế đặc thù nền kinh tế sẽ 'nát' thêm' - 1
TS. Nguyễn Đình Cung: "Nhiều khi Thủ tướng không nói, phía dưới không làm"

Ông Cung tỏ ra lo lắng, nếu xin đặc thù theo cách hiện nay sẽ kiến kinh tế nước ta “nát” thêm. Trong khi Cách mạng 4.0 cần phải kết nối, chia sẻ để tận dụng nguồn lực của nhau nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Thêm vào đó, 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc lại là những đặc thù khác. Đáng lẽ phải cải cách hơn, thống nhất hơn, kết nối hơn thì chúng ta lại phân tán hơn.

Nhiều khi Thủ tướng không nói, phía dưới không làm

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn phải cặm cụi một mình, không có người đồng hành, chia sẻ.

Ông Cung nói: “Các địa phương phần nào đó đã chia sẻ, nhưng ở cấp chính sách của Trung ương dường như không nhìn thấy đó để cùng đồng hành, giải quyết các vấn đề, hỗ trợ họ phát triển.

Về sự vào cuộc của Chính phủ, tôi thấy Thủ tướng không nói, nhiều khi phía ỳ ra dưới không làm. Vậy nên, cứ phải nhắc đi nhắc lại, ở chỗ này nói, chỗ kia cũng nói. Nhiều khi chỉ đạo rồi còn không làm. Đặc thù của bộ máy chúng ta là như vậy!”

Người Trung Quốc gom đất ở Nha Trang

Trước tình trạng người Trung Quốc núp bóng mua nhà đất xuất hiện ngày càng nhiều ở TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết: “Gần đây, tôi vào Nha Trang, Đà Nẵng. Nhiều người làm việc trong các cơ quan chính quyền thừa nhận hàng dãy phố lớn ở đây rơi vào tay người Trung Quốc, bị người Trung Quốc mua.

Nếu quyền sử dụng đất trở thành quyền tài sản của người sử dụng, được mua bán đàng hoàng sẽ không có chuyện người ta bán đất cho người nước ngoài. Bởi họ chỉ được thuê trong một thời hạn nhất định thì họ sẵn sàng bán đi khi được trả giá cao.

TS. Nguyễn Đình Cung: 'Nếu cho cơ chế đặc thù nền kinh tế sẽ 'nát' thêm' - 2
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, nếu được thừa nhận quyền tài sản đất đai sẽ không bị người Trung Quốc mua theo kiểu chui lủi, mua ngầm

Nhưng nếu được thừa nhận quyền tài sản, họ sẽ có chiến lược đầu tư dài hạn hơn hoặc người Việt Nam khác có thể mua chứ không phải người Trung Quốc mua theo kiểu chui lủi, mua ngầm. Như vậy, rất nhiều tài sản của Việt Nam, đặc biệt là đất đai rơi vào tay người nước ngoài một cách phi pháp.

Tôi cho rằng Luật Đất đai cần phải thay đổi. Năm ngoái, Thủ tướng đã đặt ra mốc tới tháng 9 cùng năm phải trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng chưa có được.

Nếu không sớm thay đổi, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với nhiều điểm nghẽn. Nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp".

Băn khoăn ưu đãi với 3 đặc khu kinh tế

Bà Phạm Chi Lan tỏ ra băn khoăn với 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc khi có tới hơn 120 ngành nghề ưu tiên, trong đó có bất động sản.

TS. Nguyễn Đình Cung: 'Nếu cho cơ chế đặc thù nền kinh tế sẽ 'nát' thêm' - 3
Cơ chế ưu đãi, đặc thù với 3 đặc khu kinh tế đang khiến nhiều chuyên gia băn khoăn (Ảnh: Zing)

Bà Chi Lan phân tích: “BĐS Việt Nam rất gần với bong bóng rồi, mà lại muốn đặc khu để ưu tiên cho BĐS nhằm mục đích gì? Tới casino, đây có phải ngành mang lại giá trị gia tăng cao, tạo năng suất lao động tốt cho Việt Nam không mà giành ưu tiên cho nó?

Nếu ưu tiên cho BĐS, casino, chúng sẽ đánh bật tất cả các ngành công nghệ cao chúng ta muốn hướng tới. Khu công nghệ cao Hòa Lạc tuổi đời đã 20 năm mà chúng ta vẫn vất vả phát triển công nghệ như vậy đủ thấy thiết chế cho nó phát triển đâu có dễ dàng”.

Lấy khoa học công nghệ (KHCN) thay cho quan hệ

“Nhiều người Việt Nam ở thế hệ nào đó quan niệm có tiền là mua thẻ xanh, thẻ vàng ở đâu đó. Nhưng giờ chúng ta phải thay đổi, phải tạo ra môi trường kinh doanh mà ở đó lấy KHCN thay cho quan hệ. Chỉ khi cạnh tranh công bằng người ta mới áp dụng KHCN. Còn quan hệ, nó sẽ đánh bật KHCN”, TS. Nguyễn Đình Cung nói. 

Theo Hoàng Thắng (Dân Việt) 

Nổi bật