Cục Thuế tỉnh Bình Định vừa có lưu ý khá chi tiết về những hành vi trốn thuế có thể bị xử lý hình sự, căn cứ quy định tại Điều 200 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 quy định bị xử lý hình sự tội trốn thuế.
9 hành vi trốn thuế đối mặt án tù
Mức phạt tiền từ 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm sẽ áp dụng với trường hợp cá nhân thực hiện 1 trong 9 hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích.
9 hành vi trốn thuế cụ thể gồm:
(1) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
(2) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
(3) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
(4) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
(5) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
(6) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của bộ luật này;
(7) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của bộ luật này;
(8) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của bộ luật này;
(9) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế”.
Trốn thuế trên 1 tỷ đồng có thể bị phạt tới 7 năm tù
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 200 của Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13, mức phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm áp dụng với một trong các trường hợp cá nhân trốn thuế sau: Phạm tội có tổ chức; Số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 2 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm.
Đặc biệt, phạm tội trốn thuế với số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 1,5-4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Pháp nhân thương mại có thể bị cấm hoạt động
Mức phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng sẽ áp dụng với pháp nhân thương mại thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 200 của Bộ Luật hình sự với số tiền từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Mức phạt tiền sẽ tăng lên mức từ 1-3 tỷ đồng với một trong các trường hợp sau: phạm tội có tổ chức; số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; phạm tội 2 lần trở lên; tái phạm nguy hiểm.
Đặc biệt, pháp nhân thương mại phạm tội trốn thuế với số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 3-10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm.
Pháp nhân thương mại sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không có khả năng khắc phục hậu quả.
Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm.
Theo Bình Minh (VietNamNet)