Giám đốc Trung tâm cứu hộ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ khẳng định, với việc gara Mạnh Sơn liên tục bị chủ xe tố cáo “chặt chém”, đơn vị này cũng sẽ kiên quyết “tẩy chay”.
Đáng lưu ý, rất nhiều ô tô gặp nạn trên đường tiếp tục được cứu hộ đưa về gara này (2 cơ sở trên đường Ngọc Hồi và đường Láng).
Trước tâm điểm chỉ trích của cộng đồng ô tô, cơ sở 2 của gara Mạnh Sơn trên đường Láng (Cầu Giấy - Hà Nội) bất ngờ thay đổi 2 biển hiệu bên hông thành gara ô tô Tiến Hải. Ảnh: T.G
Phản ánh đến báo Gia đình & Xã hội, nhiều chủ xe cho biết khởi đầu của câu chuyện “chặt chém” xuất phát từ nghi vấn nhân viên cứu hộ móc ngoặc với gara Mạnh Sơn. Từ đó, chi phí sửa chữa bị “thổi” gấp nhiều lần so với thị trường.
Đơn cử là trường hợp của anh Nguyễn Thanh Tùng (30 tuổi, quê Quảng Ninh). Theo anh Tùng, cuối tháng 10/2016, khi chiếc xe Camry đời 2008 của anh đang lưu thông trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ thì gặp một va quệt giao thông. Cú va chạm khiến cho két nước, nắp capo và kính trước bị hỏng hóc.
Sau khi gọi đội cứu hộ giao thông của cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ thì anh được nhân viên giới thiệu cẩu xe về gara Mạnh Sơn gần nhất để sửa chữa. Tại đây, ông chủ gara Nguyễn Tiến Mạnh đề nghị anh về nghỉ ngơi đến sáng hôm sau đến sẽ tiến hành sửa chữa.
Cơ sở 2 của gara Mạnh Sơn trên đường Ngọc Hồi (Hoàng Mai - Hà Nội) - Nơi nhiều chủ xe gặp nạn tố cáo bị "chém đẹp". |
Đến sáng hôm sau, anh Tùng đã đến gara Mạnh Sơn trên đường Ngọc Hồi (Hoàng Mai – Hà Nội) thì thấy chiếc xe đã bị bổ máy, đường điện bị tháo dỡ và hệ thống linh phụ kiện nằm lăn lốc trên nền đất.
Sau đó, anh được gara báo giá lên đến gần 120 triệu đồng trong khi anh tham khảo ở những gara quen biết thì tổng sửa chữa những hỏng hóc trên chỉ khoảng 30 triệu đồng. Sau khi nhờ người quen đến mặc cả, gara đã giảm giá thành xuống còn hơn 77 triệu đồng.
Báo giá sửa chữa lên đến hơn 77 triệu đồng khiến anh Nguyễn Thanh Tùng giật mình. |
Tương tự là trường hợp của anh Vũ Quang Tâm (37 tuổi, giám đốc công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Việt Anh).
Sự việc diễn ra vào ngày 29 Tết vừa qua, khi chiếc xe dịch vụ của công ty anh hiệu Huyndai Gezt được một khách hàng thuê và gặp trục trặc khi đang lưu thông trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Sau khi nhận được tin báo, đội cứu hộ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã nhanh chóng có mặt và cẩu xe về gara ô tô Mạnh Sơn.
Chủ gara hứa sẽ làm nhanh để có xe chạy trong Tết nhưng đến ngày hôm sau vào 30 Tết, khi anh đến gara lấy xe thì chiếc xe đã bị cẩu máy và tháo dỡ để kiểm tra. Trái với lời cam kết ban đầu, phía gara ô tô Mạnh Sơn hẹn lại đến mồng 7 Tết sẽ sửa tiếp.
Đến hẹn, anh Tâm đến lấy xe và xem báo giá thì chiếc xe vẫn nguyên hiện trạng bị tháo dỡ với lý do “chưa có hàng để thay thế, bảo dưỡng”.
Sau đó, anh Tâm có xin chủ gara báo giá bảo dưỡng thì nhận được thông báo chi phí lên tới 18 triệu. Sau nhiều lần liên hệ thì phải tới 3 tháng sau khổ chủ mới nhận lại được chiếc xe của mình. Đến khi sửa chữa xong anh Tâm phải thanh toán hóa đơn lên đến hơn 21 triệu đồng.
Theo khẳng định của anh Tâm: “Với số tiền đó tôi hoàn toàn có thể thay mới toàn bộ động cơ cho chiếc xe trị giá 200 triệu của mình”.
Hóa đơn sửa chữa máy của anh Vũ Quang Tâm - Số tiền đủ để thay mới toàn bộ động cơ cho chiếc xe Huyndai Gezt. |
Bi đát hơn cả là trường hợp của anh L.V.T. ( Hà Đông, Hà Nội). Theo lời kể của chủ xe Kia Morning, sáng mồng 1 Tết Đinh Dậu 2017 khi anh đang lưu thông trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ thì xe bất ngờ chết máy.
Qua kiểm tra anh phát hiện két nước bị bục. Sau đó anh được các nhân viên cứu hộ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đưa về gara ô tô Mạnh Sơn trên đường Ngọc Hồi (Hoàng Mai - Hà Nội).
Tại đây, sau nhiều lần được gara hứa hẹn thì phải hơn 1 tháng sau , anh T. mới nhận lại được chiếc xe của mình với số tiền thanh toán lên tới hơn 36 triệu đồng. “Nhưng vài tháng sau đó khi đưa xe đi kiểm tra thì tôi mới biết là xe của mình đã bị “ cắt số máy từ lốc cũ hàn sang lốc mới”, anh T. bàng hoàng kể lại.
2 hóa đơn hơn 36 triệu của anh L.V.T sau khi sửa chữa tại gara Mạnh Sơn. |
Nóng nhất và gây sự chú ý trên mạng xã hội nhất là trường hợp của anh Lê Cường (29 tuổi, quê Nghệ An). Theo lời chia sẻ của tài xế này, khoảng 9h30 đêm 29/4, khi anh đang lưu thông trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ thì ô tô cảnh báo áp suất dầu trên bảng đồng hồ.
Sau đó, anh Cường có liên lạc với số 0913.989.505 để gọi xe cứu hộ và được xe cứu hộ đưa đến gara Mạnh Sơn trên đường Ngọc Hồi để sửa chữa. Gara cách nơi anh Cường dừng lại khoảng 10km.
Sáng hôm sau, đúng hẹn anh Cường đến lấy xe thì nhân viên gara cho biết xe rò dầu phải sửa hết 2,5 triệu đồng, tiền công kéo máy là 5,5 triệu đồng và tiền dầu 500.000 đồng. Tổng chi phí hết 8,5 triệu đồng.
Chiếc xe của anh Lê Cường bị nhân viên gara Mạnh Sơn tự ý bổ máy. |
Bàng hoàng khi bị “chặt chém”, anh Cường đã đăng tải thông tin trên lên mạng xã hội với lời nhắn “tẩy chay những hạng người dơ bẩn cho xã hội. Nếu chẳng may xe cộ bị sự cố thì nên tránh gara này ra”. Chủ xe này cũng đặt ra nghi vấn có sự “ăn rơ” giữa cứu hộ và gara Mạnh Sơn để “móc túi” tài xế gặp nạn.
Trung tâm cứu hộ cam kết “tẩy chay” gara Mạnh Sơn
Để có thông tin đa chiều về sự việc, ngày 21/5, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Lánh – Giám đốc Trung tâm cứu hộ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Theo lời ông Lánh, đây là Trung tâm duy nhất được phép hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Sau nhiều năm hoạt động, hiện Trung tâm có 8 chiếc xe cứu hộ với 16 nhân viên, túc trực 24/24.
Ông Nguyễn Ngọc Lánh, Giám đốc Trung tâm cứu hộ Pháp Vân – Cầu Giẽ cung cấp thông tin về việc nhân viên cứu hộ đưa phương tiện gặp nạn về các gara sửa chữa. |
“Hàng ngày Trung tâm tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi đến đường dây nóng nhờ cứu hộ. Trung bình 1 tháng, chúng tôi cẩu khoảng 10 xe gặp nạn về các gara để sửa chữa”, ông Lánh cho biết.
Liên quan đến việc tài xế Lê Cường tố cao Trung tâm cứu hộ móc nối với gara Mạnh Sơn để “chặt chém”, ông Lánh cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin chúng tôi đã yêu cầu 2 nhân viên trong ca trực hôm đó làm bản tưởng trình.
Theo đó, việc đưa xe của khách về gara nào là do yêu cầu của chính khách hàng, hoặc theo gợi ý của nhân viên nhưng phải được sự đồng ý của khách.
Phía Trung tâm chỉ cung cấp dịch vụ vận chuyển cứu hộ, cứu nạn với chi phí đã được niêm yết công khai và thông báo trước với khách hàng. Chúng tôi khẳng định không có tình trạng ép giá hay câu kết, móc nối với bất kỳ gara nào để chặt chém khách hàng”.
Về câu hỏi gara Mạnh Sơn không phải là nơi sửa chữa ô tô gần nhất và duy nhất hướng từ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ về Hà Nội, ông Lánh thừa nhận và lý giải: “Do gara này lớn và chuyên sửa chữa ô tô con nên nhân viên thường tư vấn cho khách đến đây sửa chữa. Khách hàng có quyền từ chối hoặc yêu cầu nhân viên cứu hộ đưa về gara khác”.
Trung tâm cứu hộ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khẳng định không "ăn rơ" với gara Mạnh Sơn đồng thời cam kết từ nay sẽ không đưa phương tiện gặp nạn về gara này để sửa chữa. |
Vị giám đốc Trung tâm cứu hộ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng cho biết, việc nhiều chủ xe liên tiếp tố gara Mạnh Sơn “chặt chém” đã ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của trung tâm.
Thậm chí, sau khi mạng xã hội lan truyền thông tin, đường dây nóng của Trung tâm liên tục bị “khủng bố điện thoại” gây ảnh hưởng đến tâm lý và hoạt động kinh doanh của Trung tâm.
Điều này rất đáng lo ngại bởi trong khi có rất nhiều người thực sự đang gặp sự cố, tai nạn cần được cứu hộ lại không thể liên hệ để được hỗ trợ kịp thời. Bởi song song với dịch vụ cứu hộ phương tiện, Trung tâm này còn có nhân viên y tế và xe chuyên dụng để cứu nạn về người.
“Sau sự việc này tôi đã quán triệt với nhân viên của Trung tâm từ nay khi xe gặp nạn cần phải cẩu về thì phải tư vấn đưa về các gara chính hãng hoặc những gara nào khách quen biết. Tuyệt đối chúng tôi không đưa xe gặp nạn về gara Mạnh Sơn để sửa chữa như trước đây”, ông Nguyễn Ngọc Lánh khẳng định với PV Báo Gia đình và Xã hội.
Ở góc độ pháp lý, Luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, nếu chủ xe chứng minh được gara Mạnh Sơn cố tình “chặt chém”, đe dọa khách hàng theo kiểu xã hội đen hoặc bôi thêm chi phí để thu tiền bất chính có thể trình báo sự việc trên với cơ quan công an để xem xét dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản hoặc báo với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thị trường hoặc khởi kiện tới tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự. “Những cảnh báo kịp thời của khách hàng để người khác nhận diện các sai phạm, tẩy chay các cơ sở kinh doanh “chặt chém” cũng là biện pháp hữu hiệu để đấu tranh với hiện tượng này và là cơ sở để các cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét các hành vi vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Trong trường hợp gara này tái phạm nhiều lần, tạo dư luận xấu, cơ quan quản lý có thể tước giấy phép hoạt động”, Luật sư Thái nhấn mạnh. |
Theo Nhật Tân – Trần Tuấn (Gia Đình & Xã Hội)