Không giống như USD, euro và yên, nhân dân tệ không được ưa chuộng ở nước ngoài. Nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đã “giấu” đồng bản tệ khỏi thị trường quốc tế và áp dụng những biện pháp hạn chế mua bán. Điều này tạo nên một tấm lá chắn bảo vệ Trung Quốc trước dòng chảy vốn thất thường, đồng thời giúp hàng hóa của Trung Quốc có giá rẻ.
Giờ đây nước này đã có lý do để nới lỏng kiểm soát đối với nhân dân tệ. Để thúc đẩy tăng trưởng và vươn tới những tham vọng chính trị lớn lao, Trung Quốc đang khuyến khích việc sử dụng nhân dân tệ ở nước ngoài trong lộ trình quốc tế hóa đồng tiền này. Đây là một trong những thay đổi lớn nhất đối với thị trường tiền tệ quốc tế kể từ khi đồng tiền chung châu Âu (euro) ra đời và được coi là một “mỏ vàng” đối với giới ngân hàng và đầu tư. Tuy nhiên, chính sách của NHTW Trung Quốc (PBOC) cũng là một mối nguy đối với sự ổn định của Trung Quốc.
Liên tiếp phá giá
Ngày 11/9, Trung Quốc phá giá nhân dân tệ 1,9% và tuyên bố sẽ cho phép thị trường đóng một vai trò quan trọng hơn trong quá trình tính toán tỷ giá tham chiếu hàng ngày. Nhân dân tệ được phép giao động 2% xung quanh tỷ giá tham chiếu (cao hơn hoặc thấp hơn đều được). Hôm nay (12/8), tỷ giá lại điều chỉnh thêm 1,6%.
Kể từ giữa tháng 3, tỷ giá CNY/USD đã được duy trì ở mức ổn định bởi các nhà hoạch định chính sách tập trung vào việc đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dự trữ chính thức. Giới phân tích ước tính điều này có thể “kích hoạt” làn sóng chuyển sang các tài sản Trung Quốc với khối lượng lên tới 1.000 tỷ USD. Cuối năm nay, IMF sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Năm 2014, nhân dân tệ giảm giá lần đầu tiên trong 5 năm. Tháng 11, liên kết giữa hai sàn chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải được mở ra, cho phép người nước ngoài lần đầu tiên bước chân vào thị trường tài chính Trung Quốc. Mối liên kết này đã tạo nên dòng vốn ồ ạt chảy vào TTCK trước khi bong bóng vỡ vào giữa tháng 6.
Cánh cửa đã mở
Năm 1994, Trung Quốc áp dụng chế độ tỷ giá cố định neo nhân dân tệ vào USD. 1 thập kỷ sau, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, một số nhà đầu tư định chế được chọn được phép mua vào các cổ phiếu niêm yết bằng nhân dân tệ nhưng rất hạn chế.
Năm 2005, nhân dân tệ được thả nổi nhưng sau đó lại được neo vào USD một cách không chính thức vào năm 2008 để bảo vệ Trung Quốc trước khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 2010, kinh tế Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đồng nhân dân tệ được sử dụng nhiều hơn.
Trung Quốc không đưa ra lịch trình cải cách cụ thể, và một số nhà quan sát dự đoán đến năm 2020 nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền hoàn toàn có khả năng chuyển đổi.
Đã có hơn một chục quốc gia trở thành nơi Trung Quốc đặt trung tâm giao dịch nhân dân tệ bằng cách ký các thỏa thuận hoán đổi giúp giao dịch dễ dàng hơn. Trung Quốc cũng đang dẫn đầu nỗ lực thành lập ngân hàng đầu tư quốc tế mới đầu tiên trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Đồng nhân dân tệ tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế thể hiện tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thách thức đồng USD cũng như trật tự kinh tế thế giới vốn đang được thống trị bởi Mỹ và châu Âu. Trung Quốc đã có xu hướng đẩy nhanh cải cách trước kỳ đánh giá lại của IMF. Trong khi đó, Mỹ - quốc gia từ mấy thập kỷ nay vẫn chỉ trích Trung Quốc giữ đồng nhân dân tệ quá yếu để làm lợi cho xuất khẩu – ngay lập tức phản bác rằng những gì Trung Quốc làm là chưa đủ để xóa bỏ kiểm soát đối với đồng bản tệ.
Một đồng bản tệ được sử dụng rộng rãi hơn sẽ gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong việc định giá các loại hàng hóa từ dầu mỏ đến quặng sắt, đồng thời đem đến cho cả người dân và các công ty nước này nhiều lựa chọn hơn đối với tiền tiết kiệm của họ.