Từ xa xưa, Trung Quốc đã sở hữu một loại nông sản đặc biệt, được mệnh danh là nguồn “vàng lỏng” bổ dưỡng của đất nước tỷ dân. Đó là cây dầu trà - tên khoa học là Camellia oleifera.
Cây dầu trà là loại thực vật thuộc họ trà và mọc trên núi. Ở Trung Quốc, có rất nhiều khu vực trồng loại cây này như Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Chiết Giang, Hồ Bắc,...và sản lượng nơi đây cũng chiếm phần lớn thị phần trên toàn cầu.
Quả trà có vỏ xanh, khi chín chuyển sang đỏ vàng. Hạt bên trong đen tuyền. Lá non của cây có nhiều lông tơ, dài khoảng 5-7cm, rộng 2-4cm và có màu xanh đậm.
Thông thường, những quả trà này có mức giá rất rẻ, tuy nhiên, phần hạt của chúng lại chứa nhiều ‘tinh hoa’.
Để biến cây trà thành nông sản đem về lợi ích kinh tế, người Trung Quốc đã ép hạt của những quả trà đó để lấy dầu. Nó được mệnh danh là một trong những loại dầu đắt đỏ hàng đầu trong chế biến ẩm thực bởi rất tốt cho sức khỏe.
Cụ thể, dầu hoa trà không chứa cholesterol và các chất phụ gia. Ngoài ra nó cũng rất giàu protein và vitamin A, B, C, D, E. Nhiều tờ báo nước ngoài cũng ca ngợi đây là “dầu ô liu của phương Đông”.
Hạt của những cây trà chất lượng sẽ cho ra loại dầu có độ tinh khiết cao, màu vàng trong, mùi thơm nhẹ và giàu dinh dưỡng.
Theo một số nguồn tin, cây hoa trà phải trồng 3 năm mới cho trái, sau 5 năm mới có thể cho ra sản lượng dồi dào. Tuy nhiên, chúng lại có tuổi thọ cao, mỗi lần trồng có thể đem về thu hoạch từ 40-50 năm.
Nhiều người nông dân cho biết, sau khi đầu tư ban đầu, họ có thể thu về lợi nhuận ổn định trong thời gian dài. Thông thường, để phát triển cây dầu trà, họ sẽ cần các khoản chi phí như tiền đất, phí cây giống, nhân công và phân bón.
Một nông trại khoảng 90-100 cây dầu trà sẽ đem về hơn 1.000kg quả và 200kg hạt để ép lấy dầu. Theo một số trang thông tin, đã từng có thời điểm dầu trà Trung Quốc trở thành mặt hàng hot và có giá lên tới 300 NDT cho khoảng 1 lít hàng loại I (hơn 1 triệu đồng) - mức giá khá cao so với một loại dầu thông thường.
Theo Nhất Lưu (Nhịp Sống Thị Trường)