Dự báo, năm 2017 Trung Quốc sẽ phải nhập 2,4 - 2,4 triệu tấn thịt lợn xẻ và khoảng 1 triệu tấn thịt bò xẻ đều ở dạng đông lạnh để bù đắp phần thiếu hụt sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để được xuất khẩu các sản phẩm này vào Trung Quốc cần có cam kết, thỏa thuận giữa các cơ quan chuyên môn của Trung Quốc và đáp ứng các tiêu chuẩn mà nước này yêu cầu.
Ông Kim đổ cám cho đàn lợn nái ăn tại trang trại của gia đình ở tỉnh Ninh Bình. |
Trung Quốc sẽ nhập 2,2 - 2,4 triệu tấn thịt xẻ
Theo công văn gửi Sở NNPTNT các tỉnh mới đây của Cục Chăn nuôi khuyến nghị về việc phát triển chăn nuôi bền vững có nêu, vấn đề xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm thịt lợn sang thị trường Trung Quốc mặc dù đã có chủ trương, chỉ đạo từ các cấp có thẩm quyền nhưng đây là vấn đề lâu dài để các cơ quan hữu quan giữa hai bên tiến hành các thủ tục cần thiết cho xuất khẩu sản phẩm thịt lợn của Việt Nam.
Hơn nữa việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thường phải là sản phẩm thịt mảnh đông lạnh được giết mổ vào bảo quản theo đúng quy trình, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc mà phía Trung Quốc yêu cầu.
Về vấn đề dự báo nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, công văn của Cục Chăn nuôi nêu rõ, sau một thời gian dài bị tác động lớn từ dịch bệnh, những quy định nghiêm ngặt về vấn đề ô nhiễm môi trường và chính sách bỏ hỗ trợ đàn lợn nái dẫn đến cung không đủ cầu đối với sản phẩm thịt lợn sản xuất trong nước.
Do giá lợn giống tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi lợn tại các tỉnh đang tích cực chăm sóc đàn nái, giống để kịp thời xuất bán hưởng lợi. Ảnh: Hải Đăng |
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo Trung Quốc năm 2017 sẽ phải nhập 2,4 - 2,4 triệu tấn thịt lợn xẻ và khoảng 1 triệu tấn thịt bò xẻ đều ở dạng đông lạnh để bù đắp phần thiếu hụt sản xuất trong nước.Tuy nhiên, để được xuất khẩu các sản phẩm này vào Trung Quốc cần có cam kết, thỏa thuận giữa các cơ quan chuyên môn của Trung Quốc và đáp ứng các tiêu chuẩn mà nước này yêu cầu.
Cần bình tĩnh trước đà tăng giá lợn hiện nay
Trao đổi với phóng viên Dân Việt mới đây, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: "Việc tăng giá lợn trở lại đã có tác động tích cực không chỉ đối với người chăn nuôi lợn mà còn là tín hiệu tích cực cho cả ngành chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi gia súc - gia cầm nói chung, bởi vì thịt lợn chiếm 65 - 70% trong cơ cấu sản phẩm toàn ngành chăn nuôi (bên cạnh gà, bò, trứng…), nên khi giá lợn tăng giá sẽ kéo theo sự chuyển mình tích cực của ngành chăn nuôi".
Cũng theo ông Dương, chúng ta đang kiểm soát tốt cung cầu trong thời gian qua. Nguồn cung tăng, cùng với đó người nuôi đang rất tích cực thải loại rất nhiều lợn nái, lợn con không đạt chất lượng. Nhu cầu tiêu thụ trong thời gian qua cũng tăng mạnh, đặc biệt hình thức tiêu thụ vô cùng phong phú, có được điều đó là nhờ chúng ta đã làm tốt trong chính sách tiêu thụ thịt lợn.
Đến thời điểm này dù giá lợn hơi đã tăng lên 45.000 đồng/kg, lợn giống đạt trên dưới 1 triệu đồng/con, song người chăn nuôi lợn tại các tỉnh vẫn lo lắng về việc chăn nuôi, tăng đàn lợn. |
Nhận định về thị trường giá cả thịt lợn trong thời gian tới, ông Dương cho hay: Chúng ta nên bình tĩnh trước tín hiệu tăng giá lúc này. Từ giờ đến cuối năm, nhu cầu sử dụng sản phẩm chăn nuôi sẽ tăng cao, đặc biệt là thịt lợn, nguồn cung chúng ta đã kiểm soát được, với việc nhu cầu tăng, giá cũng sẽ tăng lên dần đều. Tuy nhiên để nhận định cụ thể mức tăng giá cần có nhiều yếu tố và phụ thuộc vào diễn biến thực tế từ thị trường.
"Lúc này người chăn nuôi không nên tăng đàn, không tăng quy mô chăn nuôi. Với quy mô đàn nái và với năng lực sản xuất, công suất chuồng trại hiện có, chỉ cần chúng ta tăng khả năng quản lý chăn nuôi, tổ chức sản xuất tốt là đã có thể cho phép tăng thêm 30% sản lượng thịt để đáp ứng thị trường mà không cần phải tăng đàn. Vì vậy bà con không nên tăng đàn để tránh rủi ro. Chỉ cần tổ chức sản xuất tốt với những gì hiện có là hiệu quả sẽ tăng lên" - ông Dương khuyến cáo.
Nông dân lo ngại giá lợn tăng ảo
Trái ngược với khuyến cáo của ông Dương, bà Hoàng Thị Xuyến, chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở Thái Bình cho hay: "Vào thời điểm này giá lợn đang tăng từng ngày, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan lo ngại giá lợn tăng ảo sau một thời gian sẽ xuống nên họ khuyên nông dân không nên tăng đàn tự phát, hàng loạt nhưng tôi cũng phải nói thật rằng, sau gần 1 năm giá lợn lao dốc và xuống đáy người chăn nuôi đã phá sản hết, có hộ đã treo chuồng, thua lỗ, nợ nần đầm đìa nên dù rất muốn nhưng cũng không còn đủ sức để tái hay tăng đàn nữa đâu".
Bà Xuyến cho biết thêm, so với thời điểm các năm trước giá lợn có tăng thì cũng chỉ tăng từ từ theo từng giai đoạn, nhưng vào thời điểm vừa rồi giá lợn ở Việt Nam tăng một cách bất thường và khó hiểu, chỉ chưa đầy chục ngày mà giá lợn đã tăng hơn 20.000 đồng/kg hơi.
Công nhân sơ chế, đóng gói thịt lợn hữu cơ tại một trang trại chăn nuôi hữu cơ tại Bắc Giang. |
"Là người chăn nuôi, chúng tôi đang rất lo ngại, sợ rằng giá lợn đang tăng ảo do một số doang nghiệp, công ty làm giá để trục lợi, bà con đang rất mong các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng và có giải pháp kịp thời, hỗ trợ thông tin để bà con tránh rủi ro không đáng có" - bà Xuyến kiến nghị.
Đến thời điểm này giá lợn hơi đã tăng lên 45.000 đồng/kg, lợn giống đạt trên dưới 1 triệu đồng/con, song ông Hoàng Văn Kim ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình) vẫn tỏ ra lo lắng về việc chăn nuôi, tăng đàn lợn. "Dù giá lợn đã tăng nhưng chúng tôi vẫn chưa thực sự thấy yên tâm, bởi có thể thời gian này phía Trung Quốc tăng mua, nguồn cung trong nước hạn chế nên giá lên cao nhưng không biết chừng một thời gian nữa đối tác họ ngừng mua giá lại rớt thê thảm thì nông dân chăn nuôi lại chìm trong thua lỗ" - ông Kim nói.
Theo Cục Chăn nuôi, do giá thịt lợn hơi trong nước tăng cao từ cuối năm 2013 đến cuối năm 2016 nên nhiều công ty đầu tư vào chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp chưa hình thành chuỗi giá trị thịt lợn từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối. Một số doanh nghiệp có giết mổ công nghiệp nhưng chưa đầu tư cho hệ thống kho mát và kho đông lạnh công suất lớn để bảo quản, mà chủ yếu là xuất thịt lợn tươi ở thị trường trong nước nên khó đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu thịt mảnh đông lạnh theo con đường chính ngạch. Để phát triển bền vững, Cục Chăn nuôi đề nghị các Sở NNPTNT các tỉnh hướng dẫn cho các doanh nghiệp lớn phát triển chăn nuôi lợn từ 1.000 nái bố mẹ - nuôi lợn thịt đến xuất chuồng và 30.000 lợn thịt trở lên phải cân nhắc kỹ những vấn đề sau: Đánh giá tác động môi trường; chăn nuôi theo chuỗi; kế hoạch tiêu thị sản phẩm trên thị trường nội địa và lộ trình xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. |
Theo Hải Đăng (Dân Việt)