Trung Quốc ồ ạt ‘ăn hàng’, rau quả thiết lập mặt bằng giá mới

10/04/2023 07:20:20

Lô khoai lang đầu tiên đang hoàn tất thủ tục để xuất khẩu sang Trung Quốc. Thị trường hơn tỷ dân này đang ồ ạt “ăn hàng”, đẩy giá các mặt hàng rau quả tăng mạnh, thiết lập mặt bằng mới.

Nhiều loại rau quả tăng giá mạnh

Người nông dân trồng mãng cầu xiêm ở vùng ĐBSCL đang tất bật thu hoạch quả bán với giá 18.000-25.000 đồng/kg, tăng khoảng 6.000-10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Mức giá này được duy trì từ đầu năm 2023 đến nay. Nguyên nhân do Trung Quốc tăng mua, tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng thuận lợi.

Tại Quảng Ngãi, ớt không chỉ được mùa mà còn được giá khi thương lái mạnh tay gom mua xuất sang Trung Quốc. Người nông dân trồng ớt phấn khởi hái lứa quả đầu tiên bán với giá 35.000 đồng/kg đã đủ tiền vốn đầu tư. Thế nên, vụ ớt này họ thu lãi khá cao.

Tương tự, sau khi xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên theo đường chính ngạch vào thị trường Trung Quốc (tháng 9/2022), giá loại trái cây này tăng dựng đứng. Có thời điểm sầu riêng được thu mua tại vườn với mức cao kỷ lục 150.000-190.000 đồng/kg.

Giá sầu riêng tuy đã hạ nhiệt so với mức đỉnh, song vẫn neo cao. Sầu riêng ở các vườn miền Tây được doanh nghiệp gom mua để xuất khẩu sang Trung Quốc với giá từ 80.000-100.000 đồng/kg tuỳ loại.

Trung Quốc ồ ạt ‘ăn hàng’, rau quả thiết lập mặt bằng giá mới
Giá sầu riêng neo ở mức cao (Ảnh: Tâm An)

Tại họp báo thường kỳ của Bộ NN-PTNT ngày 31/3, ông Lê Văn Đức - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) - cho biết, giá sầu riêng có xu hướng tăng khi xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi.

Vài tháng trở lại đây, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu mít Thái, kéo theo giá loại trái cây này từ mức rẻ như rau đã vọt lên thành hàng đắt đỏ. Tại các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long,... các vựa thu mua mít với giá 39.000-42.000 đồng/kg hàng loại 1, loại 2 giá từ 29.000-31.000 đồng/kg; mít kem loại 1 giá 32.000-33.000 đồng/kg, loại 2 có giá 23.000-24.000 đồng/kg. Giá thu mua tại vườn thấp hơn tại vựa khoảng 2.000 đồng/kg.

Thông tin từ Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), thị trường trái cây tại một số tỉnh phía Nam giữ giá ổn định với thanh long và dưa hấu, cam sành; tăng giá với xoài, còn giá sầu riêng duy trì ở mức cao. 

Cụ thể, tại Tiền Giang giá dưa hấu 8.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ 24.000 đồng/kg và thanh long ruột trắng 22.000 đồng/kg. Giá xoài cát Hòa Lộc tại Tiền Giang là 84.000 đồng/kg, tăng 11.000 đồng/kg so với tháng trước; xoài Cát Chu 38.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg. Sầu riêng Ri6 ở mức giá cao 102.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg so với tháng trước.

Việc giá rau quả liên tục tăng và thiết lập mặt bằng mới giúp nông dân chuyển từ thua lỗ sang lãi cao. Thời gian qua, nhà vườn trồng sầu riêng, thanh long còn có dịp trúng đậm khi giá các loại trái cây này vọt lên mức đỉnh lịch sử.

Xe rau quả ùn ùn lên cửa khẩu, Trung Quốc kéo dài thời gian thông quan 

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, xuất khẩu rau quả quý I/2023 đạt 935 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Rau quả trở thành điểm sáng của ngành nông nghiệp trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực ghi nhận mức tăng trưởng âm. 

Trong hai tháng đầu năm nay, Trung Quốc giữ vị trí quán quân về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam, chiếm 56,7% trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả của nước ta. Các mặt hàng như sầu riêng, mít, dưa hấu,... kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, trong đó phần lớn là xuất sang Trung Quốc.

Trung Quốc ồ ạt ‘ăn hàng’, rau quả thiết lập mặt bằng giá mới - 1
Xe chở rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh (Ảnh: Thạch Thảo)

Trao đổi với PV. VietNamNet, Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, Trung Quốc chính thức mở cửa lại biên giới từ ngày 8/1/2022, tạo đà cho xuất khẩu phục hồi. Cùng với đó, lợi thế từ các nghị định thư Việt Nam đã ký với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch giúp xuất khẩu sầu riêng, khoai lang, chanh leo ngày càng thuận lợi.

“Nhờ đó, giá nhiều loại trái cây tăng đáng kể ngay từ đầu năm. Đây là tín hiệu đáng mừng”, ông nói.

Ở nước ta, nhiều trái cây đang vào vụ thu hoạch như sầu riêng, mít, thanh long,... nên lượng xe từ các địa phương đổ về cửa khẩu Lạng Sơn để làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cao. Đặc biệt, thời điểm cuối tháng 3 còn có tình trạng xe trở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc ách tắc cục bộ.

Để thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, mới đây, lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, phía Trung Quốc đồng ý tăng thời gian thông quan hàng ngày từ 7h đến 19h (tăng thêm 1 giờ so với trước), thậm chí hỗ trợ thông quan với hàng hóa nhập khẩu đến 22h.

Cơ quan chức năng hai nước đã thống nhất phân luồng xe không có hàng di chuyển tách biệt với luồng vận chuyển hàng hoá tại cửa khẩu Hữu Nghị nên lưu thông xuất nhập khẩu cải thiện.

Chuyên gia trong ngành nhận định, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả bùng nổ trong năm 2023. Dự báo, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có thể đạt kim ngạch ít nhất 2,5 tỷ USD trong năm nay.

Trung Quốc đang siết dần nhập khẩu tiểu ngạch và chuyển qua chính ngạch, chất lượng rau quả nhập khẩu đòi hỏi ngày càng cao. Để xuất khẩu sang thị trường tỷ dân, ngoài tăng cường chất lượng hàng hoá, doanh nghiệp và nhà vườn phải tuân thủ và kiểm soát chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Bởi, chỉ gặp một vấn đề, cả lô hàng sẽ bị trả lại, thậm chí còn bị “cấm cửa”, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo. 

Theo Tâm An (VietNamNet)

Nổi bật