Vào những ngày đầu của đợt dịch Corona, không riêng gì đường cao tốc vào Vũ Hán, tình hình giao thông tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc cũng diễn ra sự tắc nghẽn nghiêm trọng khi hàng loạt những trạm kiểm soát dịch mọc lên như nấm và soi từng chiếc xe một.
Tại cửa ngõ vào thủ đô Bắc Kinh, hàng đoàn xe vận tải lương thực, thực phẩm đã phải xếp hàng đứng đợi kiểm tra gây tắc nghẽn cục bộ.
Trong các siêu thị của Bắc Kinh, người dân đổ xô nhau đi mua nhu yếu phẩm và rất nhiều mặt hàng bốc hơi nhanh chóng do những tin đồn hết hàng.
Hiện nay, ngoài việc phải gồng mình chống đại dịch Corona , Trung Quốc còn phải đau đầu xem họ sẽ nuôi sống 1,4 tỷ dân của mình như thế nào khi người lao động được khuyến cáo ở nhà, các nhà máy, trang trại làm việc cầm chừng còn hệ thống giao thông thì hầu như đình trệ.
Mặc dù đã chấp nhận việc hy sinh tăng trưởng để dập dịch nhưng việc khuyến cáo người dân ở nhà cũng như đình trệ hoạt động kinh tế, giao thông cũng ảnh hưởng đến an ninh lương thực của thị trường lớn nhất thế giới này.
Trên thực tế, thách thức nuôi sống 1,4 tỷ dân đã khiến chính quyền Bắc Kinh phải đau đầu từ trước khi có dịch Corona.
Sự ô nhiễm nguồn đất, nước và biến đổi khí hậu do đô thị hóa, công nghiệp hóa nhiều thập niên, thế rồi dịch tả lợn… khiến an ninh lương thực của Trung Quốc trở thành một trong những nhiệm vụ chủ chốt của các nhà hoạch định chính sách nước này.
Trước tình hình một cuộc khủng hoảng lương thực có thể diễn ra, chính quyền Bắc Kinh đã cấp phép một làn đường riêng cho các chuyến xe nhu yếu phẩm vào thủ đô nhằm giảm áp lực.
"Bất kỳ việc tăng giá hay cháy hàng lương thực nào cũng sẽ dẫn đến rối loạn xã hội, bởi vậy chính phủ đặt nhiệm vụ bình ổn giá cả lên ưu tiên hàng đầu. Thậm chí thực phẩm trở thành mặt hàng quan trọng hơn cả khẩu trang hiện nay", chuyên gia phân tích ma Wenfeng của trung tâm tư vấn Beijing Orient Agri nhận định.
Nhờ những nỗ lực của chính phủ mà các siêu thị của Bắc Kinh lại đầy ắp thực phẩm, qua đó giảm bớt những rủi ro về an ninh lương thực và khủng hoảng xã hội.
"Chúng tôi chẳng cần phải lo lắng nữa bởi chúng tôi có thể thoải mái mua bất cứ thứ gì mình cần", cụ Liu Ying đang đi siêu thị tại Bắc Kinh cho biết.
Giá rau củ bình quân tính đến ngày 2/2 tại Trung Quốc đã giảm 3,8% so với tuần trước đó. Một trong những nguyên nhân chính là đợt dịch này diễn ra đúng vào Tết Nguyên Đán, khi các hộ gia đình đã chuẩn bị khá sung túc đồ ăn cho dịp lễ lớn nhất năm.
Bởi vậy, việc tranh nhau mua hàng ở các siêu thị phần lớn mang tâm lý sợ hãi, bầy đàn hơn là nhu cầu thực.
Thêm nữa, chính quyền Bắc Kinh cũng có các kho dự trữ lương thực như gạo hay lúa mì trên khắp cả nước, nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho 1,4 tỷ người Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh cũng đã chỉ đạo các cơ quan địa phương đảm bảo cung ứng lương thực, lúa gạo, dầu ăn nhằm tránh tình trạng thiếu nguồn cung, tạo áp lực mua hàng hay rủi ro đẩy giá lên cao gây mất ổn định xã hội.
Thậm chí, Trung Quốc cũng sẵn sàng mở kho dự trữ chiến lược nếu cần thiết để giữ sự ổn định này. Hiện kho dự trữ gạo và lúa mì của Trung Quốc đủ để nuôi sống cả nước trong vòng 1 năm.
Dẫu vậy, một số mặt hàng phụ thuộc vào nhập khẩu lại là thách thức khi Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt chiến tranh thương mại với Mỹ. Nền kinh tế thứ 2 thế giới vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu đậu nành và dầu ăn.
Đó là chưa kể số lượng thịt lợn thiếu hụt sau đợt dịch tả lợn, buộc nước này cần nhập khẩu lượng lớn hàng triệu con để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Bộ thương mại Trung Quốc cho biết họ sẽ tăng cường nhập khẩu thịt cũng như nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm khác nhằm tránh tình trạng thiếu hụt trong mùa dịch. Những tập đoàn lương thực quốc doanh như Cofco hay Sinograin cũng đã được lệnh tăng cường sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Bên cạnh đó, thỏa thuận đợt 1 thương mại Mỹ-Trung cũng cho thấy phía Trung Quốc sẽ mua khoảng 40-50 tỷ USD/năm các mặt hàng nông sản của Mỹ trong 2 năm tới.
Tăng trưởng chỉ còn 5%
Trong thời đại dịch Corona, người dân Trung Quốc đã ít đi ăn ngoài hàng quán hơn. Rất nhiều quán ăn đã được lệnh đóng cửa do lo ngại dịch bệnh lây lan. Mọi người cũng ngại đến chỗ đông người hay chi tiêu cho các bữa tiệc tùng, nhậu nhẹt đầu năm.
Tại thủ đô Bắc Kinh, dù Tết Nguyên Đán đã chấm dứt nhưng đường phố vẫn khá vắng vẻ. Các nhà hàng, công viên hay rạp chiếu phim đều vẫn trong tình trạng đóng cửa. Tại rất nhiều khu nhà, những cư dân đi chợ mua đồ hay mới từ quê lên đều bị yêu cầu kiểm tra thân nhiệt trước khi được phép vào nhà.
Do dịch Corona nên trái với mọi năm, Trung Quốc đã cấm rất nhiều hoạt động lễ hội, tiệc tùng trong mùa đầu năm mới. Rất nhiều tỉnh của Trung Quốc đã kéo dài hạn nghỉ lễ nhằm nỗ lực tìm kiếm biện pháp dập dịch.
Theo chuyên gia kinh tế Ren Zeping của tập đoàn Evergrande, nhà hàng và ngành bán lẻ Trung Quốc có thể lỗ tới 500 tỷ Nhân dân tệ (71,7 tỷ USD) trong 7 ngày lễ Tết Nguyên Đán do ảnh hưởng của dịch Corona.
Chuyên gia Ren cũng dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ còn 5% trong năm nay do ảnh hưởng suy giảm nhu cầu tiêu thụ, giảm sản lượng, sự lo sợ của các nhà đầu tư, tình trạng thất nghiệp tạm thời tăng cao và giá cả các mặt hàng gia tăng.
Theo AB (Nhịp Sống Kinh Tế)