Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12/2022 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý 2/2023.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, do đó việc nước này mở cửa trở lại được dự báo sẽ tác động nhất định đến hoạt động kinh tế, thương mại Việt Nam.
Trong báo cáo mới phát hành, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital cho biết, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, vì vậy các nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách và mọi người đều quan tâm đến tác động từ việc Trung Quốc nới lỏng chính sách zero COVID-19 đối với Việt Nam.
Theo ông Michael Kokalari, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhưng mức độ tiếp xúc của Việt Nam đối với nền kinh tế nội địa của Trung Quốc khá khiêm tốn. Do đó, dù các hạn chế COVID-19 của Trung Quốc ảnh hưởng đến1/4 nền kinh tế của nước này trong năm 2022, nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam không bị tác động nhiều.
Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc gần như không đổi trong 9 tháng 2022, song chỉ có 14% hàng xuất khẩu của Việt Nam được bán sang Trung Quốc.
Vì vậy, GDP của Việt Nam tăng 8,8% trong 9 tháng so với cùng kỳ bất chấp lệnh phong tỏa của Trung Quốc. Việc này một phần là do xuất khẩu sang Mỹ và EU chiếm gần một nửa xuất khẩu của Việt Nam, tăng 25% so với cùng kỳ trong 9 tháng của năm.
Hơn nữa, hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang (và nhập khẩu từ) Trung Quốc là hàng hóa dùng cho sản xuất hoặc hàng hóa trung gian khác liên quan đến sản xuất hàng điện tử và hàng may mặc. Những hàng hóa này chiếm đến 2/3 tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước.
Dù vậy, vị chuyên gia này cũng cho rằng một số lĩnh vực sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Chẳng hạn như những công ty hải sản, các sản phẩm nông nghiệp khác và đặc biệt là du lịch.
Theo phân tích của ông Michael Kokalari, du lịch nước ngoài đóng góp khoảng 10% GDP của Việt Nam trước COVID-19 và lượng khách du lịch nước ngoài đang trên đà đạt 25% so với mức trước dịch trong năm nay.
Lượng khách du lịch nước ngoài kỳ vọng đến Việt Nam sẽ đạt trên 50% so với mức trước COVID-19 vào năm 2023, dựa trên giả định rằng lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ trở lại bình thường vào nửa cuối năm sau.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển gần đây ở Trung Quốc cho thấy lượng khách du lịch Trung Quốc có thể phục hồi nhanh hơn. Do đó, khách du lịch Trung Quốc có thể đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm tới so với dự kiến hiện tại.
"Chúng tôi kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 2% vào năm tới, do lượng khách du lịch Trung Quốc trở lại vào nửa cuối năm 2023," ông Michael Kokalari nhận định.
VinaCapital cũng nhận thấy một số nhà đầu tư có những lo ngại rằng việc nền kinh tế của Trung Quốc mở cửa trở lại có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam cho thu hút đầu tư nước ngoài.
Đại diện VinaCapital cho rằng, vấn đề này không có khả năng xảy ra, vì căng thẳng Mỹ-Trung vẫn còn. Điều này đã thúc đẩy các công ty đa quốc gia chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Bằng chứng là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng gấp 3 lần, từ 25 tỷ USD trong 9 tháng năm 2018 lên đến 75 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022.
Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và các tổ chức khác, mức lương tại nhà máy ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 2/3 so với ở Trung Quốc nhưng chất lượng lực lượng lao động của Việt Nam tương đương với Trung Quốc.
Ngoài ra, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm hơn một nửa dòng vốn FDI của Việt Nam đều đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về cơ cấu dân số và các vấn đề kinh tế nan giải khác, buộc các công ty ở cả hai nước phải đầu tư ra nước ngoài. Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn đầy hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong báo cáo đánh giá tác động từ sự kiện này của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng nhận định, việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dần nới lỏng hạn chế dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến kinh tế các nước ASEAN.
Việt Nam được đánh giá sẽ chịu tác động rõ nét nhất khi là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của Trung Quốc từ năm 2016.
Theo Agriseco, các doanh nghiệp Việt Nam được kỳ vọng hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa, nối lại đường bay giữa hai nước.
Việt Nam nhập khẩu hơn 30% nguyên vật liệu đầu vào sản xuất từ Trung Quốc chủ yếu máy móc, linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu dệt may, da giày. Trong thời kỳ Trung Quốc đóng cửa, các doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn do thiếu nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng mạnh, hàng hóa tắc nghẽn.
Việc giá cước vận tải hạ nhiệt hơn 50% từ đầu năm, hàng hóa lưu thông trở lại, thời gian nhập khẩu nguyên liệu không bị chậm trễ sẽ giúp cải thiện hoạt động sản xuất, thương mại của doanh nghiệp.
Theo đó, nhóm doanh nghiệp có thể hưởng lợi bao gồm cơ khí, dệt may, da giày, điện tử, ôtô. Mặt khác, giá một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào có thể tăng trở lại khi nhu cầu hồi phục như sắt thép, ximăng, kim loại cơ bản cũng sẽ cải thiện đầu ra cho doanh nghiệp.
Nhóm doanh nghiệp xuất khẩu chính vào Trung Quốc kỳ vọng sẽ phục hồi như cá tra, dệt may, cao su. Bên cạnh đó, các chuyên gia của Agriseco cũng kỳ vọng sản lượng khách du lịch tới Việt Nam sẽ hồi phục mạnh trong năm 2023 khi Trung Quốc mở cửa trở lại.
Ngược lại, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hóa chất có thể sẽ bị ảnh hưởng và đi lùi trong năm 2023 khi Trung Quốc mở cửa. Bởi lẽ, giá hóa chất sẽ hạ nhiệt, Trung Quốc khôi phục sản lượng khiến hoạt động xuất khẩu cạnh tranh hơn.
Ngoài ra, giới phân tích cũng dự báo, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể gây sức ép lên lạm phát lên toàn cầu trong thời gian tới trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, tác động này có thể được giảm thiểu bởi một số yếu tố, bao gồm thời gian mở cửa trở lại muộn hơn so với Mỹ và châu Âu, và Trung Quốc có ít "khoản tiết kiệm trong dân" hơn so với Mỹ và EU./.
Theo H.Chung (TTXVN/Vietnam+)