Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 68,7 tỷ USD

11/12/2019 11:05:55

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 68,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 43,6 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước; thị trường ASEAN đạt 29,6 tỷ USD, tăng 1,7%; Nhật Bản đạt 18,1 tỷ USD, tăng 3,5%; thị trường EU đạt 13,4 tỷ USD, tăng 6,1%; Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 11,3%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 11/2019 ước tính đạt 22,5 tỷ USD, tăng 0,6% so với tháng 10/2019 và 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 68,7 tỷ USD
Ảnh minh họa

Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 232,308 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 98,2 tỷ USD, tăng 13,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,1 tỷ USD, tăng 3,1%.

Kim ngạch nhập khẩu theo nhóm hàng, cụ thể:

Nhóm hàng cần nhập khẩu: chiếm 87,96% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2019 là nhóm hàng nguyên liệu sản xuất, với kim ngạch đạt 204,33 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao nhất, đạt 47,28 tỷ USD, tăng 20,2% so với 11 tháng năm 2018.

So với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng ở một số mặt hàng như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 11,1%; Vải các loại tăng 4,2%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 9,7%...

Đặc biệt, dầu thô và than đá tăng mạnh 44,1% và 53,4% so với cùng kỳ năm 2018. Than đá nhập khẩu chủ yếu sẽ được dùng để sản xuất điện tại các nhà máy nhiệt điện than ngày càng lớn. Điện than vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung điện của Việt Nam trong thời gian tới.

Trái lại, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018 như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 5,3%, sắt thép các loại giảm 1,9%, xăng dầu các loại giảm 24,4%...

Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu: kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 16,65 tỷ USD.

Những mặt hàng có sự tăng trưởng cao trong nhóm hàng này có thể kể tới như: Ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng tới 115,7%, xe máy và linh kiện, phụ tùng xe gắn máy tăng 27,7%, linh kiện phụ tùng ô tô tăng 15,3%... so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do nhập khẩu phục vụ nhu cầu cuối năm.

Theo Nguyễn Thanh (Báo Dân Sinh)