Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc không theo đuổi nhập siêu từ Việt Nam, sẵn sàng ủng hộ và tạo thuận lợi để doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, qua đó góp phần từng bước giảm dần nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 10 - 14/9, Đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành và Tổng cục trưởng (hàm Bộ trưởng) Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) Chi Thụ Bình.
Tại buổi hội đàm với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị tạo thuận lợi đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản Việt Nam có thế mạnh, Trung Quốc có nhu cầu, giúp thương mại song phương phát triển cân bằng, ổn định và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc cũng khẳng định, Trung Quốc không theo đuổi nhập siêu từ Việt Nam và sẵn sàng ủng hộ, tạo thuận lợi để doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, qua đó góp phần từng bước giảm dần nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc.
Hai Bộ trưởng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ đẩy nhanh các thủ tục thành lập thêm các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại một số địa phương Trung Quốc gồm: Tứ Xuyên, Chiết Giang và Giang Tô...
Bên cạnh đó, tại buổi hội đàm với Tổng Cục trưởng AQSIQ Chi Thụ Bình, hai bên đã đạt được nhất trí về việc phối hợp đẩy nhanh các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường và tháo gỡ rào cản cho các sản phẩm sữa, thịt lợn, một số loại trái cây, sản phẩm nông sản, thủy sản... của Việt Nam xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc.
Phía AQSIQ cho biết, thời gian qua cũng đã bổ sung thêm số lượng các cửa khẩu được chỉ định nhập khẩu hoa quả, nông sản tại khu vực biên giới giữa hai nước đồng thời đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kiểm nghiệm, kiểm dịch tại các cửa khẩu này, góp phần tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông sản, hoa quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Phía AQSIQ cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam xây dựng danh mục các mặt hàng trái cây cần ưu tiên triển khai đánh giá rủi ro để nhanh chóng đưa vào danh mục các loại trái cây được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Năm 2015, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương Việt Trung đạt 66,6 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2014. 7 tháng năm 2016, đạt 38,18 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 10,85 tỷ USD, tăng 14,9%; nhập khẩu 27,32 tỷ USD.
Trong một nghiên cứu của TS. Trần Toàn Thắng của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem), Việt Nam đã từng xuất siêu sang Trung Quốc vào năm 2000, nhưng từ đó đến nay nhập siêu đã liên tục duy trì và cán cân thương mại ngày càng thâm hụt lớn.
Theo đó, giá trị nhập khẩu gấp khoảng 2- 3 lần giá trị xuất khẩu và không có dấu hiệu thu hẹp. Đáng chú ý là so sánh cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc và cán cân thương mại của Việt Nam với một số đối tác chính trong những năm vừa qua, cho thấy thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc là lớn nhất.
Mặc dù cấu trúc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã có sự thay đổi tích cực, từ nhóm hàng xăng dầu và các hàng hóa sơ chế, chuyển sang hàng chế biến, hàng hóa thâm dụng vốn và hàm lượng công nghệ hàng xuất khẩu của Việt nam có tăng.
Tuy nhiên, đánh giá của Ciem cho thấy, hàm lượng công nghệ xuất khẩu sang Trung Quốc thua kém phần lớn các nước trong khu vực, nhìn chung chỉ hơn được Indonesia về tỷ lệ công nghệ cao, kém một số nước ASEAN và bị bỏ xa so với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo Phương Dung (Dân Trí)