Các ngân hàng chính sách của Trung Quốc đang tích cực bơm tiền để giải cứu những khu vực hoạt động kém hiệu quả của nước này.
Không giống như những ngân hàng thương mại nhà nước được niêm yết, luôn phải cân đối tình hình tài chính và chịu trách nhiệm giải trình trước nhà đầu tư, các ngân hàng chính sách có thể mạnh tay vung tiền cho các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương vay.
Trên lý thuyết, bộ ba ngân hàng chính sách, gồm Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EIBC) và Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc (ADBC) cũng phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Song, trên thực tế, bộ ba này phải đảm nhận nhiều trọng trách chi tiêu công cho chính phủ, nên không cần quan tâm đến chuyện thua lỗ.
“Cái thời mà Bắc Kinh kêu gọi các ngân hàng chính sách hoạt động theo định hướng thị trường đã chấm dứt”, Guo Tianyong, giáo sư chuyên ngành ngân hàng của Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương ở Bắc Kinh cho biết. “Bằng cách chuyển các chức năng tài khóa cho những ngân hàng này và cho phép chúng sử dụng đòn bẩy tài chính, chính phủ có thể giữ cho sổ sách của các ngân hàng này được sạch sẽ”.
Vai trò của các ngân hàng trên đang gia tăng ở một thời điểm quan trọng đối với chính sách tài khóa và tiền tệ của Trung Quốc.
Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố khoản thâm hụt tài khóa 3% trong năm nay và đang triển khai chương trình đổi nợ của chính quyền địa phương thành trái phiếu. Cơ quan này hiện không muốn dùng đến các gói kích thích quy mô lớn.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang phải trì hoãn các biện pháp chính sách lớn như cắt giảm lãi suất do lo ngại đồng nhân dân tệ mất giá. PBOC cũng đang phải dựa vào hoạt động hàng ngày của thị trường mở để duy trì dòng tiền trong hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Trung Quốc đã tái vốn hóa bộ ba ngân hàng chính sách trong năm ngoái và bơm nguồn tiền dồi dào cho chúng. Đổi lại, bộ ba này sẽ cho các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương đang nợ nần đầm đìa vay để duy trì tăng trưởng.
Tài sản của CDB đã tăng thêm 3 nghìn tỷ nhân dân tệ (450 tỷ USD) trong vòng từ tháng 7 năm ngoái đến tháng 6 năm nay. Theo Tổng công ty Vốn Quốc tế Trung Quốc (CICC), số tiền trên chiếm gần 1/10 tỷ lệ tăng trưởng tài sản ở khu vực ngân hàng của Trung Quốc.
“Không khó để thấy ngân hàng này đang đóng vai trò quan trọng trong chính sách tăng trưởng tiền tệ gần đây”, hai kinh tế gia của CICC, Yi Huan và Liang Hong cho biết.
PBOC đã cho CDB vay 1,4 nghìn tỷ nhân dân tệ với lãi suất thấp. Trước đó, CDB đã thu về gần 1 nghìn tỷ nhân dân tệ thông qua phát hành trái phiếu thường và trái phiếu xây dựng đặc biệt. ADBC cũng cam kết cho các công ty nông nghiệp trên cả nước vay 3 nghìn tỷ nhân dân tệ trong 4 năm tới.
Việc năng lực cho vay của các ngân hàng chính sách được tăng cường đã giúp hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng, từ tái thiết nhà ở cho đến xây dựng đường sắt. Vai trò của các tổ chức tín dụng này ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh các ngân hàng thương mại không muốn cho vay và ngân sách của chính phủ sụt giảm vì tăng trưởng giảm tốc.
Chuyên gia Grace Wu của Fitch Ratings cho biết, việc Bắc Kinh trao thêm quyền cho bộ ba này đã tăng cường vai trò chiến lược của chúng đối với nền kinh tế. Đó là vì các ngân hàng này có thể hỗ trợ những dự án mà ngân hàng bình thường không dám cho vay, như chiến lược “Một vành đai, Một con đường”, chương trình nhà ở xã hội và các dự án xóa đói giảm nghèo.
Các chuyên gia lo ngại rằng, việc các ngân hàng chính sách đẩy mạnh cho vay sẽ gây ra hệ lụy xấu với nền kinh tế. “Các ngân hàng chính sách đang hoạt động giống như những cỗ máy bơm tiền, chỉ đâu đánh đó”, Hu Xingdou, kinh tế gia của Viện Công nghệ Bắc Kinh nói.
“Đây là ví dụ mới nhất về sự can thiệp mạnh tay của nhà nước vào nền kinh tế. Sự phụ thuộc quá mức vào các ngân hàng chính sách có thể làm giảm hiệu quả của toàn bộ hệ thống tài chính và tạo ra nhiều khoản nợ xấu. Cuối cùng thì người đóng thuế Trung Quốc sẽ là đối tượng phải trả giá”, ông nói.
Theo Long Nam (Cafef.vn)