Không phải đổ đống bán với giá rẻ như cho suốt thời gian qua, hiện nhà vườn trồng thanh long ruột đỏ ở ĐBSCL có thể thở phào nhẹ nhõm bởi giá loại quả này tăng mạnh, thương lái cũng tìm tới tận vườn gom mua.
So với thời điểm cuối tháng 4, một số nhà vườn ở ĐBSCL đã bán được thanh long ruột đỏ loại 1 với mức giá dao động từ 23.000-27.000 đồng/kg, loại 2 từ 19.000-20.000 đồng/kg. Giá thanh long ruột trắng cũng tăng lên mức 9.000-12.000 đồng/kg tùy loại.
Tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), thanh long đang vào chính vụ thu hoạch, thương lái đến tận vườn mua với giá 15.000 đồng/kg loại 1 và 10.000 đồng/kg loại 2. So với hồi tháng 3 và đầu tháng 4, giá thanh long đã tăng gấp 3-4 lần tùy loại.
Với mức giá này, nông dân trồng thanh long thoát khỏi cảnh thua lỗ và bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, nguồn cung thanh long ở các nhà vườn lại hạn chế nên DN chấp nhận đẩy giá thu mua lên cao để gom đủ chuyến hàng xuất khẩu.
Ở huyện Phong Điền (Cần Thơ), sầu riêng cũng đang rộ vụ thu hoạch. Năm nay, các nhà vườn bội thu khi sầu trúng mùa lại được giá. Hiện sầu riêng ri6 hạt lép được thương lái thu mua với giá 40.000-50.000 đồng/kg. Trừ đi chi phí, người nông dân có thể thu lãi hơn 20.000 đồng/kg.
Ngoài Cần Thơ, sầu riêng cũng vào chính vụ ở Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long,... thương lái thu mua tại vườn giá từ 40.000-60.000 đồng/kg.
Theo các nhà vườn, các cửa khẩu tại phía Bắc đã được thông quan trở lại nên việc xuất khẩu trái thanh long tươi sang thị trường Trung Quốc có những chuyển biến khả quan sau thời gian trầm lắng.
Tại huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), nông dân cũng phấn khởi vì vụ này măng cụt trúng mùa được giá. Ông Trần Văn Công, nhà vườn trồng măng cụt tại huyện Dầu Tiếng, cho biết, loại trái cây này được xuất chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Giờ xe nông sản được thông quan, không còn ách tắc như trước nên măng cụt dễ bán và giá cao hơn.
Năm ngoái khi vào chính vụ thu hoạch, giá măng cụt giá chỉ 30.000-40.000 đồng/kg. Còn hiện nay, giá lên tới 50.000-60.000 đồng/kg, ông Công cho hay.
Cuối tháng 4, sau một thời gian dài ùn tắc, nhiều cửa khẩu ở các tỉnh phía Bắc nước ta với Trung Quốc đã khôi phục thông quan hàng hoá. Tình trạng xe container chở nông sản xuất khẩu bị “mắc kẹt” dần được giải quyết.
Báo cáo của Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho thấy, ngày 20/4, số lượng xe hàng tồn tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn là 1.398 xe. Đến ngày 5/5, con số này đã giảm xuống một nửa, còn 754 xe, trong đó có 477 xe hoa quả.
Thời điểm này, lượng hàng hóa nông sản, đặc biệt là trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu của Lạng Sơn, tăng từng ngày cho thấy những tín hiệu tích cực về việc phục hồi hoạt động xuất khẩu sau đại dịch Covid-19.
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), dù hoạt động thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc đã được khôi phục, nhưng nếu dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp vẫn có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc. Chưa kể, thị trường truyền thống này còn siết chặt chất lượng, truy xuất nguồn gốc dẫn tới nguy cơ ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước.
Ông Tùng cho hay, quý 2 năm nay là thời điểm nhiều loại trái cây vào vụ thu hoạch. Tính riêng sản lượng ở các tỉnh Nam Bộ đã lên tới gần 1,5 triệu tấn, cao hơn quý 1 khoảng 137.000 tấn.
Còn quý cuối năm nay, tại Nam Bộ chỉ tính 8 loại trái cây chủ lực gồm thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, dứa và sầu riêng đã lên tới gần 2,3 triệu tấn. Do vậy, cần tính toán đầu ra cụ thể cho từng loại trái cây khi vào mùa thu hoạch.
Theo Tâm An (VietNamNet)