Cụ thể, trong tháng 4, cả nước có hơn 15.200 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước có 7.184 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 63,6% so với tháng trước và giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2024; 8.989 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 83,5% và tăng 93,1%; 1.750 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 18,1% và tăng 37,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 89.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 22.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 96.500 doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 24.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trung bình mỗi ngày có hơn 800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Việc 96.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2025 là một dấu hiệu rõ ràng về những khó khăn hiện tại của môi trường kinh doanh Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều thách thức để tồn tại và phát triển. Về phía cung, khu vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao. Sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế thế giới, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... mặc dù có cải thiện nhưng chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực nếu không có cơ chế, chính sách đột phá. Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Để giảm thiểu những thiệt hại này và hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện các chính sách hỗ trợ tài chính, thúc đẩy tăng trưởng thị trường nội địa và đẩy mạnh quá trình cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Theo Cẩm Tú (vov.vn)