Gần 9 năm sau cuộc khủng hoảng tại Ngân hàng ACB, hoạt động kinh doanh của ngân hàng này đã ổn định trở lại với nợ xấu giảm xuống mức an toàn. Cổ phiếu ACB lại lên vùng lịch sử với cú tăng khoảng 50% trong vòng 4 tháng qua.
Tính tới đầu giờ sáng 11/11, cổ phiếu ACB tăng lên mức 25.500 đồng/cp, cao hơn khá nhiều so với mức khoảng 17.000 đồng/cp hồi cuối tháng 7.
Cổ phiếu ACB tăng giúp giúp túi tiền của ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) tăng thêm khoảng 400 tỷ đồng, trong khi vợ ông Kiên là bà Đặng Ngọc Lan tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng. Hiện tại, Bầu Kiên vẫn đang nắm giữ gần 32 triệu cổ phiếu ACB, trong khi vợ nắm giữ gần 39 triệu cổ phiếu ACB.
Tổng cộng, 2 vợ chồng Bầu Kiên vẫn đang nắm giữ khối tài sản trị giá khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với cách đây 4 tháng và cao hơn so với thời điểm ông trùm ngân hàng này bị bắt.
Trong năm 2019 và 2018, ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) đã hoàn tất bán toàn bộ cổ phần tại một ngân hàng khác là VietBank (VBB), trong khi bà Nguyễn Ngọc Lan đã có đơn từ nhiệm tại VBB theo nguyện vọng cá nhân.
Bố mẹ của bà Đặng Ngọc Lan cũng đã bán phần lớn cổ phần tại VietBank.
Trong khi nhóm cổ đông gia đình bầu Kiên đang lần lượt thoái dần vốn khỏi VietBank, thì nhóm cổ đông Tập đoàn Hoa Lâm của ông Dương Ngọc Hòa đang có những động thái giữ vững tỷ lệ vốn tại VietBank.
Còn tại ACB, ngân hàng này đã hồi phục sau cú sốc “Bầu Kiên” bị bắt và một dàn lãnh đạo bao gồm ông Lý Xuân Hải, ông Phạm Trung Cang, ông Trịnh Kim Quang, ông Trần Xuân Giá… vướng vòng lao lý hoặc/và bệnh tật.
Sau 9 năm, có người đã mãn hạn tù, một số đã trở lại kinh doanh như trường hợp ông Lý Xuân Hải, ông Phạm Trung Cang, ông Huỳnh Quang Tuấn, Trịnh Kim Quang.
Riêng ông Nguyễn Đức Kiên là người chịu án dài nhất, 30 năm và vẫn đang thụ án. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Đức Kiên và vợ - bà Đặng Ngọc Lan vẫn đang sở hữu một lượng lớn cổ phiếu ACB và cả 2 nằm trong top 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu ACB khởi sắc nhờ vào những kết quả kinh doanh khá tốt trong vài năm gần đây và quy mô tăng khá mạnh trở lại dưới thời nhà ông Trần Hùng Huy. Sau sự cố, ông Trần Hùng Huy (con trai ông Trần Mộng Hùng) giữ chức vụ chủ tịch HĐQT, trong khi đó bà Đặng Thu Thủy (mẹ ông Huy) là thành viên HĐQT.
Cho tới thời điểm này, sau nhiều sóng gió, ACB đã ổn định trở lại, cho vay, huy động, lợi nhuận tăng trưởng tích cực. Nợ xấu được xử lý khá tốt. Các chỉ số an toàn đã được đáp ứng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 11/11, chỉ số VN-Index tăng nhẹ và đang ở trên ngưỡng 950 điểm.
Theo MBS, thị trường có phiên tăng ấn tượng vào buổi sáng hôm qua nhờ sự hỗ trợ của thổng tin tích cực từ thị trường quốc tế. Tuy vậy, áp lực bán ở vùng 960 - 970 điểm đã kìm hãm và xóa mất đà tăng vào cuối phiên. Về kỹ thuật, phiên này khối lượng tiếp tục ở mức cao trong khi chỉ số lại đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên là điều cần lưu ý và thận trọng, bên cạnh đó là việc khối ngoại bán ròng mạnh trở lại. Do vậy, thị trường nhiều khả năng sẽ gặp rung lắc mạnh ở vùng từ 946 điểm đến 960 điểm trong những phiên sắp tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/11, VN-Index giảm 0,09 điểm xuống 51,9 điểm; HNX-Index giảm 0,24 điểm xuống 141,37 điểm. Upcom-Index tăng 0,14 điểm lên 64,16 điểm. Thanh khoản đạt 10,8 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)