"Trốn" đăng ký kinh doanh trên Facebook có bị phạt?

19/06/2017 10:18:00

Phải có quy định cụ thể về việc cá nhân kinh doanh trên Facebook để tránh rủi ro cho dân.

Phải có quy định cụ thể về việc cá nhân kinh doanh trên Facebook để tránh rủi ro cho dân.

‘Trốn’ đăng ký kinh doanh trên Facebook có bị phạt?
 

Trước đó đại diện Tổng cục Thuế cho biết để thu thuế bán hàng qua mạng, Facebook thì cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng sẽ phải đăng ký kinh doanh. Bởi theo quy định, người kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ thì phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế.

Vậy người kinh doanh trên Facebook khai báo hoặc không khai báo thì sẽ chịu những hậu quả gì?

Phải rõ ràng để tránh rủi ro cho dân

Chị Ngô Duyên, nhà ở quận Tân Phú, tự làm bánh tại nhà và bán qua Facebook. Chị khá lo lắng, không biết việc kinh doanh của mình có phải đăng ký hay không. “Người thì khuyên phải đăng ký, người thì bảo không cần vì doanh số dưới 100 triệu đồng/năm. Tôi sợ là đăng ký xong thì sẽ gặp nhiều rắc rối về thủ tục, khai báo phức tạp. Nhưng cũng lo nếu không đăng ký thì có bị phạt gì hay không” - chị Duyên phân vân.

Cùng băn khoăn trên, chị Anh Thi (nhà ở quận Phú Nhuận, bán quần áo trẻ em trên Facebook) cho biết mỗi đơn hàng trị giá 1 triệu đồng thì chị lời khoảng 200.000 đồng. Doanh số mỗi tháng tầm 30 triệu đồng, nghĩa là đã vượt trên 100 triệu đồng/năm nhưng nếu tính tiền lời thì chỉ 5-6 triệu đồng/tháng, đủ chi cho đi chợ.

Chị Anh Thi thắc mắc: “Vậy tôi có phải đăng ký kinh doanh không khi mức thu nhập còn chưa bằng mức nộp thuế thu nhập cá nhân của một người làm công ăn lương?”.

Điều 37 Nghị định số 52/2013 của Chính phủ có quy định về trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong đó nêu rõ người bán hàng có nghĩa vụ đầy đủ về thuế, cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử. Tuy vậy nghị định này không yêu cầu người kinh doanh phải đăng ký, thông báo việc kinh doanh của mình cho cơ quan đăng ký kinh doanh hay cơ quan quản lý thương mại điện tử.

Nghị định 78/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp cũng quy định về việc đăng ký kinh doanh của cá nhân kinh doanh. Trong đó Điều 66 nêu rõ những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có “thu nhập thấp” không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện.

Vấn đề đặt ra là quy định “thu nhập thấp” là như thế nào? Nghị định này giao cho UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Thế nhưng ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ KH&ĐT, cho biết không có hướng dẫn nào về thu nhập thấp. Và hầu hết các tỉnh, thành chưa ban hành quy định mức thu nhập thấp để buộc cá nhân kinh doanh phải đăng ký kinh doanh nếu có trên mức thu nhập này.

“Cục sẽ có văn bản nhắc các tỉnh, thành ban hành quy định này nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người dân khi kinh doanh, đồng thời đảm bảo công tác quản lý nhà nước với khu vực hộ kinh doanh” - ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn cũng cho rằng nếu địa phương lấy mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân, tương đương mức 100 triệu đồng/năm làm ranh giới thu nhập thấp để bắt buộc cá nhân kinh doanh phải đăng ký kinh doanh thì cũng nên công khai, có quy định cụ thể để tránh rủi ro cho dân.

Như vậy, không có một mức doanh thu nào để buộc người kinh doanh phải đăng ký, ngay cả doanh thu trên 100 triệu đồng/năm vẫn không bị xem là phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì phải làm thủ tục để kê khai, nộp thuế. Đây là hai thủ tục hoàn toàn khác nhau.

Quyết tâm nhưng khó thực hiện

Dù ngành thuế liên tục có nhiều biện pháp siết thu thuế kinh doanh qua Facebook nhưng lỗ hổng trong quy định khiến việc xử lý cá nhân không đăng ký kinh doanh khó thực hiện được, vì không xác định được trường hợp thu nhập bao nhiêu thì phải đăng ký.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Minh Đăng Quang, phân tích ngay cả khi có một mức doanh thu, thu nhập thấp để xác định ngưỡng phải đăng ký kinh doanh hoặc không cần đăng ký kinh doanh thì cũng rất khó để buộc người kinh doanh phải đăng ký.

“Muốn xử phạt về việc không đăng ký kinh doanh thì cần chứng minh mức thu nhập của người kinh doanh đó cao hơn mức chuẩn thu nhập thấp. Thế nhưng cá nhân kinh doanh qua Facebook, giao dịch nhận đơn hàng qua điện tử, cơ quan quản lý không tiếp cận được. Việc giao hàng, nhận tiền thì thường qua nhiều dịch vụ vận chuyển giao hàng khác nhau hoặc tự giao hàng nên cơ quan quản lý cũng không thống kê được. Do vậy khó có cơ sở để xác minh doanh số, thu nhập để phạt người kinh doanh” - luật sư Xoa phân tích.

Thực tế cho thấy doanh thu từ hình thức kinh doanh qua Facebook có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Nhưng Cục Thuế TP.HCM thừa nhận việc quản lý và truy thu thuế vẫn còn gặp rất nhiều thách thức. Lý do là nhiều cá nhân đăng ký trên Facebook không có tên, địa chỉ rõ ràng và các giao dịch không có hóa đơn thuế.

Dù khó nhưng đại diện Cục Thuế TP.HCM khẳng định cơ quan thuế sẽ có phương án để xác minh, truy tìm thông tin người bán hàng trên Facebook thông qua các công ty giao nhận, bưu điện, ngân hàng… Từ đó nếu phát hiện hành vi trốn thuế sẽ có biện pháp chế tài cụ thể với từng trường hợp.

Sẽ “bêu tên” nếu phát hiện trốn thuế

Trao đổi với báo chí mới đây, lãnh đạo của một số Chi cục Thuế quận/huyện ở TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục rà soát danh sách, thiết kế phiếu thu thập thông tin, gửi thư mời cá nhân bán hàng trên Facebook đăng ký, kê khai thuế. Theo đó cá nhân kinh doanh trên Facebook kê khai doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì nộp thuế giá trị gia tăng 1%, thuế thu nhập cá nhân 0,5%. Riêng doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải nộp thuế.

Cơ quan thuế sẽ truy thu thuế, xử phạt và bêu tên trên các phương tiện đại chúng đối với những cá nhân, tổ chức kinh doanh có hành vi trốn thuế.

Nở rộ bán hàng qua Facebook

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy có đến 34% doanh nghiệp đã tiến hành kinh doanh trên mạng xã hội. Hoạt động đặt hàng của doanh nghiệp với đối tác chủ yếu là thông qua email với 84%, website 46% và qua sàn, mạng xã hội 32%.

Đặc biệt báo cáo này cho hay có tới 67% khách hàng cá nhân chọn lựa website hay ứng dụng di động để mua sắm sau khi xem bình luận, đánh giá trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội.

Theo Quỳnh Như (Pháp Luật TP.HCM)

Nổi bật