Triều Tiên đang làm ăn với những nước nào

05/09/2017 14:12:00

Khoảng 80 quốc gia có thương mại với Bình Nhưỡng, như Trung Quốc, Ấn Độ, Đức hay Singapore.

Khoảng 80 quốc gia có thương mại với Bình Nhưỡng, như Trung Quốc, Ấn Độ, Đức hay Singapore.

Quốc gia này xuất khẩu 3 tỷ USD hàng hóa mỗi năm, như than đá, dầu mỏ và các sản phẩm bán lẻ. Họ phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, với tổng kim ngạch gần 3,5 tỷ USD.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Năm 2015, họ đóng góp gần 85% tổng kim ngạch thương mại cho nước láng giềng - số liệu của Liên hợp quốc cho biết. Bắc Kinh chủ yếu mua than đá và các khoáng sản khác từ Bình Nhưỡng, sau đó cung cấp thực phẩm và nhiên liệu cho nước láng giềng.

trieu-tien-dang-lam-an-voi-nhung-nuoc-nao

Triều Tiên phụ thuộc lớn vào nguồn thực phẩm nhập khẩu. Ảnh: Reuters

Số liệu của MIT thì cho thấy ngoài Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan cũng thuộc top 3 điểm đến xuất khẩu lớn nhất cho hàng hóa Triều Tiên. Trong khi đó, nguồn nhập khẩu lớn nhất của quốc gia này là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Thái Lan.

Theo số liệu của Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) năm 2016, khoảng 80 quốc gia có quan hệ làm ăn với Bình Nhưỡng. Trong đó có cả Đức, Singapore, Bồ Đào Nha hay Pháp.

*Hoạt động thương mại ở biên giới Trung - Triều

KOTRA cho biết Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Triều Tiên, nhưng kim ngạch song phương đã giảm 90% năm ngoái. Trong khi đó, con số này của Philippines lại tăng 171%.

Còn theo DW, năm 2015, Đức nhập khẩu 3,4 triệu USD hàng hóa từ Triều Tiên, như quặng sắt, cáp sợi thép và thiết bị X-Ray. Đổi lại, họ xuất khẩu 7,4 triệu USD sang nước này, chủ yếu là dược phẩm.

Dù vậy, các số liệu này có thể không phản ánh chính xác tình hình hiện tại, do Trung Quốc đã cấm nhập than từ Triều Tiên hồi tháng 2. Ấn Độ cũng đã cấm thương mại với Triều Tiên hồi tháng 4, do các lệnh trừng phạt thắt chặt từ Liên hợp quốc.

Triều Tiên đã thử hạt nhân lần 6 hôm 3/9, uy lực nhất kể từ năm 2006. Sau sự việc này, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã viết trên Twitter rằng Mỹ đang cân nhắc ngừng làm ăn với bất kỳ nước nào giao dịch với Triều Tiên.

Dù vậy, rất nhiều quốc gia trong nhóm này cũng là đối tác kinh tế của Mỹ. Việc này khiến giới quan sát nghi ngờ tính khả thi của tuyên bố trên.

Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên - cũng là một trong những bạn hàng lớn nhất của Mỹ. Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu hơn 462 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và xuất khẩu ngược lại hơn 115 tỷ USD, theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ. Cắt đứt quan hệ thương mại với Bắc Kinh cũng sẽ khiến Mỹ mất gần một triệu việc làm trong các ngành liên quan đến xuất khẩu sang Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang rất căng thẳng. Ông Trump luôn thúc giục Trung Quốc cứng rắn hơn với Triều Tiên, đồng thời chỉ trích nước này có thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ. Cuối tuần trước, ông còn tuyên bố Trung Quốc “có giúp nhưng không hiệu quả mấy”.

Ngoại giao của Mỹ với Nga cũng không khá hơn, sau cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống đầy tranh cãi năm ngoái. Với những yếu tố trên, các nhà kinh tế học cho rằng Mỹ khó có thể cầm cự được nếu tham gia cuộc chiến thương mại với cả 2 quốc gia này.

Theo Hà Thu (VnExpress.net)

Nổi bật