Triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ thúc đẩy 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

03/04/2023 19:58:09

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2%.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký thay Thủ tướng quyết định phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Theo đó, Bộ Xây dựng tổng hợp nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021 - 2030 vào khoảng 2,4 triệu căn. Trong đó giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1,24 triệu căn, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 1,16 triệu căn.

Triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ thúc đẩy 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Ảnh: Hoàng Hà

Về nhà ở công nhân, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến nay có khoảng hơn 2,7 triệu công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở.

Bên cạnh đố có gần 423.000 hộ thuộc diện người có công, hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở.

Vì vậy, Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Vay lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% 

Trong hàng loạt giải pháp đặt ra để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ nêu rõ, trước mắt, tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể.

Việc này nhằm hỗ trợ cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ. Ngoài ra, chính sách này còn được áp dụng tại các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023 của Chính phủ.

Tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2.

Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Mặc dù việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên với kết quả hoàn thành 7,79 triệu m2 sàn nhà ở xã hội mới đạt khoảng 65% mục tiêu đề ra đến năm 2020.

Về nguồn vốn, Ngân sách trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cụ thể vốn bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt thấp, khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội); nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội vẫn chưa được bố trí.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp; chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội.

Điều này dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội (tổng diện tích đất ở đã bố trí để phát triển nhà ở xã hội của cả nước là 3.359,07 ha chỉ đạt 36,34% so với nhu cầu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020).

Theo Thu Hằng (VietNamNet)