Theo nhiều độc giả, việc các cán bộ tranh cướp không chỉ để lại hình ảnh xấu trong mắt người dân mà còn là một hành vi phạm pháp.
Theo quy định, những mặt hàng giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ với các vi phạm về nhãn mác, xuất xứ, kiểu dáng... đều bị thu hồi và tiêu huỷ dưới hình thức cắt bỏ.
Dù vậy, mới đây mạng xã hội vẫn xuất hiện clip ghi lại cảnh các cán bộ, quan khách tranh nhau từng chiếc túi xách, thắt lưng, đồng hồ. Bên cạnh những lời lẽ chê bai về hành vi tranh cướp hàng tiêu hủy của các cán bộ, một số độc giả cũng chia sẻ góc nhìn khách quan.
“Dù sao hàng vẫn dùng được mà! Mình còn thấy tiếc huống chi mấy anh chị trong clip, mình nghĩ mọi người chỉ đơn giản là thấy tiếc và đem về dùng thôi", bạn đọc Khoa Nguyên bình luận.
Hàng trăm mẫu hàng giả chuẩn bị tiêu hủy. Ảnh cắt từ clip. |
Đó cũng là suy nghĩ của độc giả Quế Chi khi cho rằng việc tiêu huỷ những thực phẩm, hàng hoá không đảm bảo chất lượng là điều nên làm. Còn túi xách, thắt lưng... là những mặt hàng vẫn có thể sử dụng và không gây ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng thì không nên quá khắt khe để tránh lãng phí của cải xã hội và ô nhiễm môi trường.
Nhiều bạn đọc cũng thẳng thắn phân tích, ở nhiều vùng quê nghèo, người dân không có tiền mua các sản phẩm xịn, đắt tiền. Bởi vậy, các loại túi hạng trung bình đều là sự lựa chọn hàng đầu.
"Tiêu hủy hết thế này, vậy người dân thu nhập thấp biết mua gì để sử dụng đây? Có khi mua một chiếc túi hay đôi dép chính hãng đã hết cả tháng lương mất rồi", độc giả Thu Hằng buồn bã.
Bác bỏ những nhận định của một số người tiêu dùng, nhiều thành viên mạng cũng thể hiện rõ quan điểm bài bỏ hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đồng thời, việc các cán bộ đầu ngành tranh cướp nhau những mặt hàng không rõ nguồn gốc cũng là chủ đề bàn tán của dân mạng.
“Không khác gì buổi họp chợ trong trụ sở”, “Nhìn quan khách tranh nhau chọn hàng thật chẳng ra sao!"... là nhận xét của đa số dân mạng sau khi xem hình ảnh về quang cảnh của buổi tiêu huỷ.
Nhiều bạn đọc lắc đầu cho rằng những món hàng này chẳng đáng là bao để các khách mời có những hành động “xấu xí", làm mất hình ảnh, tư cách đến vậy.
Facebooker Nghĩa Trương cũng tỏ rõ sự bất ngờ với comment: “Hôm trước mình có xem clip và nghĩ là người dân tranh nhau hàng tiêu huỷ thôi. Nay đọc báo mới biết trong đó có cả anh chị cán bộ, thật không nói nên lời”.
Nhiều người tranh vào nhặt đồ trong buổi tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp. Ảnh cắt từ clip. |
Trên nhiều diễn đàn, cư dân mạng để lại không ít nhận xét bày tỏ sự thất vọng trước hình ảnh không đẹp của các cấp quản lý.
“Không gì buồn hơn khi tiêu huỷ các sản phẩm giả, kém chất lượng mà cán bộ, quản lý lại thi nhau lao vào nhặt đồ tranh cướp như vậy! Người trong ngành còn vi phạm thì làm gương cho ai?”, nick name Xuân Huychán nản.
Nhiều thành viên mạng cũng không giấu nối sự bức xúc trước cách tiêu huỷ "kỳ lạ" của nhiều cán bộ trong ảnh.
Trên trang cá nhân, Facebooker Vũ Đình Trung chia sẻ: “Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tiêu huỷ hàng giả tức là đổ hết ra sàn rồi tranh nhau lấy đem về dùng à?”.
Không ít ý kiến cho rằng thật đáng xấu hổ khi những hành động trái luật lại xảy ra tại chính nơi thi hành luật.
Nhiều Facebooker bức xúc trước việc nhiều cán bộ tranh cướp hàng tiêu hủy. Ảnh chụp màn hình. |
Hay dòng trạng thái thẳng thắn của Facebooker Trung Mai: “Nếu không xử lý nghiêm thì sau này đừng thu hàng giả của dân. Cán bộ cũng chuộng hàng giả thế cơ mà”.
Phần lớn độc giả đều cho rằng dù những hành động trên không đặc biệt nghiêm trọng, cũng không gây hại tới đời sống cá nhân nhưng đã vi phạm quy định và làm xấu đi hình ảnh của cơ quan nhà nước. Vì thế, các cơ quan ban ngành cần có biện pháp xử lý nghiêm nhằm tránh những sai phạm tương tự sau này.
“Nên phạt hành chính những người vi phạm được ghi nhận trong đoạn clip này để răn đe” là ý kiến của thành viên Toàn Thiện. Gay gắt hơn, độc giả Bum Trần viết: “Tôi mong mọi người hãy dừng ngay suy nghĩ hàng vẫn dùng được, đem về cho đỡ phí. Đây là công khai chiếm đoạt tài sản rồi. Nhìn vừa buồn cười vừa khó chịu. Người ta mất tiền của lấy hàng về, cấp trên tưởng xử lý thế nào lại đi nhau...".
Liên quan đến vụ việc trên, chiều 24/10, trao đổi với Zing.vn, ông Bùi Thế Duy, Chánh văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xác nhận có tình trạng một số cán bộ, người lao động có liên quan đến việc tiêu hủy tự ý lấy hàng hóa vi phạm mang ra khỏi khu vực tiêu hủy.
Bộ trưởng KH&CN đã trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan xem xét kiểm điểm nghiêm khắc và có hình thức kỷ luật đối với từng tổ chức, cá nhân lấy tang vật tiêu hủy, yêu cầu phải trả lại hàng hóa chưa tiêu hủy trước 25/10.
Theo Ngọc Nhi (Zing.vn)