Tranh cãi khoản nợ hơn 600 tỷ đồng của anh trai ông Hà Văn Thắm

26/06/2019 08:33:51

Hội đồng quản trị OCH cho biết đang phối hợp với ông Hà Trọng Nam để bán số cổ phần tại Công ty Tràng Tiền, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc.

Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (Ocean Hospitality, mã CK: OCH) vừa tổ chức phiên họp thường niên năm 2019, kèo dài gần 10 tiếng, với nhiều thắc mắc xoay quanh khoản nợ hơn 600 tỷ đồng của ông Hà Trọng Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2014 - 2018, đồng thời là anh trai ông Hà Văn Thắm.

Tuy nhiên, ông Nam, người được nhắc tên nhiều lần trong phiên họp ngày 25/6, xin vắng mặt vì lý do "bất khả kháng".

Tranh cãi khoản nợ hơn 600 tỷ đồng của anh trai ông Hà Văn Thắm
Tài liệu phiên họp thường niên 2019 của OCH gửi các cổ đông. Ảnh: MS

Khoản công nợ hàng trăm tỷ đồng với ông Hà Trọng Nam xuất hiện lần đầu trên báo cáo tài chính OCH năm 2010, liên quan đến khoản ứng trước để công ty nhận chuyển nhượng 634.700 cổ phần của Công ty Tràng Tiền từ một nhóm cổ đông. Tuy nhiên, đến năm 2015, việc chuyển nhượng này bị tạm dừng. Theo báo cáo tài chính quý I/2019, khoản ứng trước này đã được ghi nhận sang phần phải thu với ông Nam có giá trị hơn 626 tỷ đồng.

Thắc mắc của các cổ đông xoay quanh việc tại sao Hội đồng quản trị OCH không quyết liệt đòi nợ, hay thậm chí sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn như khởi kiện. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, thành viên Hội đồng quản trị OCH cho biết đang phối hợp chặt chẽ với ông Nam để xử lý khoản công nợ, việc thực hiện các biện pháp quá cứng rắn có thể "không mang đến hiệu quả".

"Hội đồng quản trị OCH từng có ý định khởi kiện ông Nam nhưng việc này có thể không mang lại hiệu quả bởi thời gian khởi kiện sẽ kéo dài, án phí quá cao và nếu khởi kiện cũng không đảm bảo chắc chắn việc thu hồi", bà Hương cho biết.

Giải pháp được ban lãnh đạo OCH đưa ra trong những năm gần đây là cùng với ông Nam tìm đối tác để chuyển nhượng lại số cổ phần này, nhằm thu hồi công nợ cho công ty. Tuy nhiên, một trong ba cổ đông của Công ty Tràng Tiền là ông Hà Văn Thắm đang rơi vào vòng lao lý nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Nói về lý do OCH dừng việc nhận chuyển nhượng cổ phần, đại diện công ty cho biết mức giá mua cổ phần Công ty Tràng Tiền cao hơn rất nhiều mệnh giá nên nếu ghi nhận sẽ phải trích lập lợi thế thương mại rất cao, trong khi công ty này còn có khoản công nợ lớn với một ngân hàng thương mại. "Nếu OCH nhận chuyển nhượng cổ phần Công ty Tràng Tiền và hợp nhất vào báo cáo tài chính, thì thực tế, sẽ khiến số liệu trở nên rất xấu, mất cân đối trong hoạt động", đại diện OCH nói.

Bên cạnh đó, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần còn có điều khoản quy định việc thực hiện chỉ diễn ra nếu Công ty Tràng Tiền có thể xin được quy hoạch thay đổi mục đích sử dụng cho khu đất gần Hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, nhóm ba cổ đông của Tràng Tiền cho biết không có khả năng thực hiện điều này.

Nhiều cổ đông cũng đặt câu hỏi về khả năng xử lý công việc của Hội đồng quản trị khi các khoản công nợ vẫn còn ghi nhận rất lớn, trong nhiều năm, và đặc biệt là tại sao ông Nam được bầu chức Chủ tịch khi đang có khoản nợ lớn.

Trả lời vấn đề này, ông Lê Đình Vinh, thành viên Hội đồng quản trị cho rằng ban lãnh đạo OCH đã làm hết sức có thể và nếu không có nỗ lực đó thì "nhiều tài sản của công ty sẽ không giữ được đến ngày nay".

"Có nhiều thời điểm tài khoản của OCH không còn tiền, nhiều dự án của công ty phải xây dựng trong tình trạng khất nợ nhà thầu, nhiều nhân sự có năng lực xin nghỉ. Nếu không có sự cố gắng của Hội đồng quản trị thì thực sự OCH khó còn được như ngày hôm nay, không giữ lại được những dự án quan trọng, cũng không có số dư trong tài khoản ngân hàng như hiện tại", đại diện ban lãnh đạo OCH chia sẻ.

Riêng với vấn đề của ông Nam, bà Hương cho biết việc bầu vào vị trí Chủ tịch là hợp pháp và hợp lệ. Đồng thời, với những biến cố khi đó của tập đoàn, ông Nam cũng được xem là "người phù hợp nhất" cho vị trí này.

"Sau khi Ocean Group và OCH xảy ra biến cố, ông Nam có vai trò lớn trong việc đoàn kết các công ty thành viên, đội ngũ lãnh đạo cũng như các nhân viên để tiếp tục bám trụ. Có những thời điểm rất khó khăn khi bị nhiều đối tác, nhà thầu quay lưng, nếu không có Chủ tịch đứng ra thỏa thuận và thương lượng thì nhiều dự án đã bị đình trệ", bà Hương chia sẻ.

Viết trong báo cáo gửi các cổ đông, Hội đồng quản trị OCH cũng đánh giá nhiệm kỳ 5 năm vừa qua là "rất khó khăn và nhiều thách thức".

Hội đồng quản trị 2014 - 2018 bắt đầu nhiệm kỳ từ tháng 4/2014 nhưng đến tháng 10/2014 công ty đã rơi vào khủng hoảng do nguyên Chủ tịch Hà Văn Thắm bị khởi tố. Nhiều nhân sự cao cấp thôi việc, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng lớn, đình trệ và cầm chừng, nhiều dự án không thể thực hiện do bị đối tác, nhà thầu quay lưng.

Phải mất nhiều năm sau đó để ban điều hành OCH vực lại công ty, thông qua việc hoàn thiện nhân sự và cơ cấu lại nhiều khoản nợ. Công ty đã cơ cấu thành công khoản nợ của Công ty Sao Hôm Nha Trang tại Ocean Bank, thực hiện cơ cấu khoản nợ của IOC tại MSB, đồng thời xây dựng lại bộ máy nhân sự tại các đơn vị thành viên.

Sau khoản lỗ gần 800 tỷ năm 2014 và hơn 80 tỷ đồng năm 2016, hai năm sau đó OCH đã có lãi trở lại, dù vẫn chưa để bù hết lỗ lũy kế. Năm 2019, công ty này đặt mục tiêu doanh thu 1.147 tỷ đồng, tương đương năm 2018, với lợi nhuận trước thuế dự kiến 17 tỷ đồng.

Tại phiên họp thường niên, đại hội đồng cổ đông OCH cũng bầu ra Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới giai đoạn 2019 - 2024. Trong đó, toàn bộ nhân sự Hội đồng quản trị cũ đã được thay thế hoàn toàn bằng những cá nhân mới, bao gồm bà Nguyễn Thị Dung, ông Nguyễn Thành Trung, ông Nguyễn Giang Nam và hai thành viên độc lập là ông Nguyễn Thế Vinh và bà Nguyễn Thu Hằng.

Theo Minh Sơn (VnExpress.net)

Nổi bật