Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung đưa ra nhiều ý kiến tranh luận về kiểm tra an toàn thực phẩm.
Trước thực trạng ông Mai Tiến Dũng nêu "có những mặt hàng 3 Bộ kiểm tra, 54,4% mặt hàng kiểm tra hai lần, 3,6% mặt hàng kiểm tra ba lần", Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong giải thích, sở dĩ có chuyện này là vì theo quy định, kiểm tra chuyên ngành được giao cho ba Bộ Công Thương, Nông nghiệp, Y tế. Mặt hàng thuộc bên nào thì bên ấy chỉ định cơ quan kiểm tra.
"Nhiều người ý kiến việc một thực phẩm nhưng lại vừa kiểm tra an toàn thực phẩm, vừa kiểm dịch. Đúng là Luật An toàn thực phẩm không quy định kiểm dịch nhưng trong luật thú y lại quy định. Chúng tôi không thể tự ý bỏ", ông Phong nói.
|
Tổ công tác làm việc ngày 21/8. Ảnh: Nhật Bắc |
Về đề xuất thực hiện hậu kiểm, ông Phong cho rằng cần phải có hai yếu tố. Một là ý thức chấp hành pháp luật, hai là lực lượng quản lý. "Ở nước ngoài, cụ thể như ở Singapore có thấy ai trốn vé xe bus, trốn vé tàu điện? Ở Nhật Bản làm gì có bơm tạp chất vào tôm, làm gì có rau 2 luống, lợn hai chuồng, làm gì có lợn xề thành thịt bò như Việt Nam. Ý thức chấp hành pháp luật thì Việt Nam không thể so sánh được với các nước khác", ông nói.
Còn về nguồn lực, Cục trưởng An toàn thực phẩm cho biết, Nhật Bản có 12.000 thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, còn ở Việt Nam chỉ có 400 người. Nhật cũng chi một lượng tiền khổng lồ mua mẫu để hậu kiểm và xét nghiệm, còn đến nay, kinh phí của Việt Nam dành cho an toàn thực phẩm mới tạm ứng được được hơn 20% của năm 2016.
"Tạo điều kiện cho doanh nghiệp là đúng nhưng nếu kiểm tra không đến nơi đến chốn thì cả nước phải chịu hậu quả. Chỉ tính riêng thực phẩm chế biến sẵn, dù đã chín nhưng lượng chì, asen nấu cũng không hết", ông nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cắt ngang: "Không phải đến mức như thế đâu Cục trưởng ạ. Cũng không nên bao biện quá chuyện ấy. Mình phải nhìn thực tế của ngành mình. Anh ở trên nói thế thôi chứ ở dưới không thế".
|
Cục trưởng An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong. Ảnh: Nam Phương |
Theo ông Dũng, Chi cục An toàn thực phẩm của Sở Y tế, lấy mẫu bún về không có labo nên phải mang lên Hà Nội kiểm tra. "Mình không đặt vấn đề mở cửa, thả cửa không kiểm soát để cho dịch bệnh vào. Vấn đề là thực trạng kiểm tra chồng chéo, kiểm tra nhiều nhưng không phát hiện vi phạm. Mình rà soát lại để xem thể chế có vấn đề gì, từ đó đề xuất sửa đổi", ông Dũng nhấn mạnh và lấy ví dụ về một sản phẩm chocolate đang chịu 13 giấy phép của Bộ Y tế.
Cục trưởng An toàn thực phẩm khẳng định "tôi hoàn toàn không bao biện". Ông cho hay, hiện Bộ Y tế phân cho 63 trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh kiểm tra chuyên ngành tại địa phương, trong đó 43 đơn vị công nhận ISO 17025. Ngoài ra, có 5 Viện khu vực thực hiện công việc này. Riêng trong bún, có một số chỉ số không phải đơn vị nào cũng làm được.
"Việc chocolate chịu 13 giấy phép tôi không hiểu thông tin từ đâu. Còn nguyên liệu sản phẩm như thế nào là do doanh nghiệp tự kê khai", ông Phong nói và cho biết, có trường hợp nào phản ánh 3-4 tháng mới cấp giấy phép, bản thân ông đã yêu cầu kiểm tra vì theo quy định dài nhất cũng chỉ có 30 ngày đối với thực phẩm chức năng. Nhưng cũng có những sản phẩm không bao giờ được cấp vì sử dụng phụ gia, hay sản phẩm nơi xản xuất công bố là bổ sung vitamin và tăng cường khoáng chất thì khi nhập về lại bảo chữa ung thư hay HIV.
"Chúng tôi làm việc theo nguyên tắc thẳng thẳn, quyết liệt, phản ánh đúng thì xử lý. Bản thân tôi khi đang đi xe máy có tin nhắn tôi cũng dừng lại để trả lời. Yêu cầu của doanh nghiệp rất lớn, có kiến nghị chúng tôi xem xét sửa đổi, nhưng cũng có kiến nghị không thể đáp ứng", ông cho hay.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương CIEM cho rằng, ngộ độc thực phẩm lâu nay chủ yếu là từ bếp ăn tập thể, từ rượu giả, thức ăn đường phố... chứ chưa thấy ở thực phẩm đóng bao bì nhập từ bên ngoài. Vì vậy, rủi ro mất an toàn vệ sinh thực phẩm nằm ở nhóm hàng khác chứ không phải nằm ở nhóm này.
"Các nhà sản xuất nước ngoài đã có tiêu chí, tiêu chuẩn công bố độ an toàn. Còn sử dụng rau hai luống, bơm tạp chất trong tôm làm cơ sở để viện giải rằng thủ tục này là cần thiết thì theo tôi không có cơ sở khoa học và thực tiễn. Thủ tục này 5 năm rồi, doanh nghiệp phàn nàn rất nhiều. Tôi cho rằng phàn nàn của họ là đúng, hoàn toàn chính xác", ông Cung nói.
|
Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Nhật Bắc |
Ông cũng cho hay, không chỉ có Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP, mà cả hiệp hội sữa, cà phê, chè, hiệp hội liên quan đến thực phẩm... đều phản ánh nhiều năm liền. Họ phản ánh về thủ tục 5 không gồm: không hợp pháp, không hợp lý, không minh bạch, không tiên lượng trước được, không hiệu lực và không phù hợp với thông lệ Quốc tế.
Không minh bạch thể hiện ở chỗ thủ tục quy định bao nhiêu hồ sơ, khi nộp thì nhân viên thụ lý yêu cầu nhiều hồ sơ khác ngoài quy định như yêu cầu hợp đồng dán nhãn tiếng Việt. "Như thế nào được coi là hồ sơ hợp lệ? Nhiều khi thiếu một chữ cũng bị xem là không hợp lệ. Phần đúng luôn luôn về phía cơ quan nhà nước. Vì vậy tôi đề nghị chỉ được yêu cầu bổ sung sửa đổi một lần", ông Cung đề xuất.
Phản bác lại ông Cung, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh phải tách bạch hai vấn đề xác nhận công bố (hay tiếp nhận bản công bố hợp quy) với kiểm tra chuyên ngành. Kiểm tra chuyên ngành là sau khi đã có các giấy chứng nhận (giấy phép). Nếu không có giấy này thì căn cứ vào đâu để thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành?
Theo ông Phong, các chỉ tiêu về an toàn đối với một sản phẩm gồm có phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, tổn thương thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm kim loại nặng và vi sinh vật.
"Anh Cung nói không phù hợp với thông lệ quốc tế thì tôi đã có báo cáo rồi, duy nhất Nhật Bản và một số nước phát triển châu Âu, trong ASEAN có Singapore đúng là không có việc tiền kiểm mà chuyển sang hậu kiểm. Còn lại tất cả từ Trung Quốc đến Thái Lan, Philippines trên từng sản phẩm đều có số giấy phép sản xuất trên mã sản phẩm. Nên không thể nói là không phủ hợp với thông lệ quốc tế", ông Phong khẳng định.
Về việc ông Cung cho rằng cán bộ không minh bạch, yêu cầu dán nhãn bằng tiếng Việt, khi có phản ánh, Cục đã yêu cầu kiểm tra, nếu đúng như vậy thì xử lý nghiêm, xem ai yêu cầu như vậy. Tuy nhiên, Cục đã không nhận được phản hồi.
"Tôi đồng ý với anh Cung là chỉ yêu cầu doanh nghiệp bổ sung văn bản một lần, không thể yêu cầu nay bổ sung cái này, mai bổ sung cái khác. Nhưng anh nói khi nhận hồ sơ coi như hợp lệ, tôi không đồng tình quan điểm này. Khi nhận đủ hồ sơ thì phải xem hồ sơ anh khai thế nào. Ví dụ hồ sơ đăng ký kinh doanh, anh kinh doanh xây dựng cầu đường mà cũng kinh doanh sản xuất thực phẩm thì chúng tôi có chấp nhận được không?", ông Phong nói, đồng thời cho biết cơ quan quản lý nhà nước "cực kỳ áp lực". "Còn các đồng chí nói đề nghị thay đổi phương thức bằng cách khác phù hợp hơn thì xin các đồng chí đề xuất xem là phương thức nào?", Cục trưởng An toàn thực phẩm đề xuất.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Vũ Tiến Lộc đề nghị thay giấy xác nhận bằng việc doanh nghiệp gửi thông báo cho Bộ Y tế và công bố trên nhãn hàng, bao bì, tài liệu kèm theo theo đúng định mức như đã nói. Căn cứ vào đó, cơ quan chức năng kiểm tra.
Về vấn đề này, ông Phong cho biết, hiện Nhật, một số nước châu Âu, Singapore đang làm như thế. Nhưng ở Việt Nam thì khó khả thi vì để làm được cần có ý thức chấp hành pháp luật và nguồn lực phục vụ hậu kiểm. Cả hai yếu tố này thì Việt Nam đều yếu. "Nếu Chính phủ quyết định làm như thế thì chúng tôi thực hiện ngay, không bao biện, không bảo thủ", ông khẳng định.
Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)