Tiếp tục có những tranh cãi khác nhau trần lãi suất và đã có những ý kiến lo ngại ‘luật chồng luật’ khi một vấn đề chuyên ngành sâu được quản lý bởi nhiều luật khác nhau.
Khi bàn thảo về trần lãi suất lần này, nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng trần lãi suất nếu tiếp tục thì chỉ nên áp dụng quy định này với nhóm tín dụng phi chính thức. Đây là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau, giữa một bên hoạt động cho vay theo luật chuyên ngành, còn một bên cho vay tự phát, theo thỏa thuận dân sự.
Trao đổi về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Ngô Văn Minh cho biết, trong dự thảo trình sang đã có cái đuôi “quy định về trần lãi suất của BLDS sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác”.
Ông Minh cho rằng, nếu luật loại trừ các TCTD mà sau này lãi suất cho vay cao thì sẽ khó điều chỉnh, nhưng nếu đưa vào BLDS thì sẽ khống chế quyền của các TCTD. Mặc dù vẫn còn có những vấn đề cần phải cân nhắc, song ông Minh ủng hộ phương án loại các TCTD ra khỏi quy định áp trần lãi suất cố định để tránh tình trạng luật chồng chéo luật.
Bên cạnh đó, cần giữ lại: “cái đuôi” của Khoản 3, Điều 475 là trần lãi suất không được áp dụng, trừ trường hợp Luật Các TCTD có quy định khác, ông Minh nói.
Theo ông Minh, lãi suất theo cơ chế thị trường, nghĩa là để cho các TCTD và người vay tự thỏa thuận. Tức là, không chỉ lãi suất 20% mà nếu đáp ứng tốt nhu cầu vay nóng thì 30% cũng có thể chấp nhận, nếu người vay thấy hiệu quả. Nguyên tắc của BLDS là phải tự do, tôn trọng cam kết của các bên.
Luật mẹ hay luật con?
Trao đổi bên lề Quốc hội họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng bày tỏ quan điểm về việc ủng hộ phương án loại quy định về lãi suất khỏi Bộ Luật Dân sự (sửa đổi).
Theo ông Cường, TCTD sinh ra để cho vay. Khi cho vay theo dự án, đã nhìn thấy rõ lợi nhuận, khả thi rồi thì có thể lãi suất rất nhẹ. Còn những dự án rủi ro thì lãi suất sẽ phải cao hơn, vấn đề này không bị khống chế bởi những phương án quy định tại dự thảo Luật. Hai phương án được nêu ra hiện nay tại Bộ Luật Dân sự chỉ khống chế trong quan hệ dân với dân. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN và hệ thống ngân hàng cũng sẽ tự kiểm soát lẫn nhau.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, các lãi suất tham chiếu được đưa ra lấy ý kiến như lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn… chủ yếu là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, là những lãi suất không phổ biến với người dân, nên NHNN đề xuất ấn định mức lãi suất cứng là 20%/nămcủa khoản tiền vay trong dự thảo BLDS. Luật các TCTD đã quy định các TCTD được phép thỏa thuận lãi suất theo quy định của pháp luật, còn dự thảo BLDS đang quy định trần lãi suất nhưng “trừ trường hợp các luật khác liên quan có quy định khác.
Chuyên gia ngân hàng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc áp trần lãi suất với các TCTD sẽ làm méo mó hoạt động tín dụng.
Theo Yến Tâm (VietNamNet)