Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (TAG) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2018, để trình cổ đông thông qua hoạt động kinh doanh năm 2017 và kế hoạch trong những năm tiếp theo.
Trong tài liệu này có nội dung đáng chú ý, là Trần Anh sẽ cho Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) thuê lại, hợp tác kinh doanh một phần hoặc toàn bộ 35 cửa hàng điện máy của hãng này.
Theo đó, Thế Giới Di Động sẽ được toàn quyền triển khai hoạt động bán lẻ tại 35 cửa hàng của Trần Anh, nhưng sẽ phải thanh toán tiền mặt bằng, phí sử dụng thương hiệu “Trần Anh”. Dù không công bố số tiền thu được từ hoạt động này, ban lãnh đạo Trần Anh khẳng định doanh thu cho thuê lại hoặc thu nhập từ hợp tác kinh doanh sẽ cao hơn mức giá thuê hiện tại.
Để phục vụ kế hoạch này, HĐQT Trần Anh cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch bổ sung hai ngành nghề là kinh doanh, là bất động sản và cho thuê tài sản vô hình phi tài chính.
Thực chất, thông qua việc mua lại vốn cổ phần từ các cổ đông sáng lập và gom cổ phiếu trên sàn chứng khoán, Thế Giới Di Động gần như đã sở hữu toàn bộ vốn của Trần Anh, với tỷ lệ hơn 99%. Từ tháng 4 năm nay, kết quả kinh doanh của Trần Anh cũng đã được hợp nhất vào kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động.
Thương vụ mua bán của 2 doanh nghiệp này bắt đầu từ giữa tháng 8/2017, khi HĐQT Trần Anh xin ý kiến cổ đông về việc chuyển nhượng cổ phần cho Thế Giới Di Động, dẫn tới tỷ lệ sở hữu trên 25% vốn điều lệ và không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Không lâu sau, Thế Giới Di Động công bố danh sách 9 nhà đầu tư trong đợt chào bán riêng lẻ cổ phiếu, những nhà đầu tư này chính là cổ đông của Trần Anh, và hoán đổi bằng toàn bộ cổ phần TAG đang sở hữu. Tỷ lệ hoán đổi trong thương vụ này được tính toán vào khoảng 1/3,82, tương đương mỗi cổ phiếu MWG sẽ đổi được 3,82 cổ phiếu TAG.
Sau khi trở thành cổ đông chi phối tại Trần Anh, Thế Giới Di Động tiếp tục mua gom cổ phiếu TAG nhỏ lẻ trên thị trường, với mục đích nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên 100% vốn. Cùng với việc đổi chủ, toàn bộ lãnh đạo cũ của Trần Anh đã ra đi, thay vào đó là nhân sự từ Thế Giới Di Động sang điều hành.
Ông Trần Kinh Doanh, Phó tổng giám đốc Thế Giới Di Động, đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT Trần Anh, ông Vũ Đăng Linh làm Giám đốc tài chính.
Trước đó, ông Trần Kinh Doanh cũng khẳng định Thế Giới Di Động sẽ tiếp tục sử dụng cửa hàng và thương hiệu Trần Anh trong thời gian đầu chuyển giao, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến nhóm khách hàng thân thiết. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ từng bước kết hợp các chương trình khuyến mại và chuyển đổi toàn bộ cửa hàng sang thương hiệu mới trong tương lai.
Trong giai đoạn cuối năm 2017, Thế Giới Di Động chưa can thiệp vào hoạt động kinh doanh cũng như chiến lược của Trần Anh, nhưng kết quả kinh doanh vẫn giảm mạnh, do thông tin liên quan đến thương vụ sáp nhập. Ngoài ra, hai doanh nghiệp cũng chỉ tập trung hoàn thiện thủ tục M&A, khiến một số siêu thị rơi vào tình trạng thiếu hụt hàng hóa, bán cầm chừng.
Cũng năm 2017, Trần Anh ghi nhận 3.533 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 12% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế công ty thu về cũng báo số âm 63 tỷ đồng, đây cũng là năm đầu tiên doanh nghiệp điện máy này thua lỗ kể năm 2007 đến nay. Điều này khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối xuống mức âm 54 tỷ đồng, trong khi cuối năm trước vẫn dương 9 tỷ.
Hiện, Trần Anh cũng chưa công bố mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm nay. Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh từ Thế Giới Di Động cho biết trong ba tháng đầu năm, chuỗi điện máy này mới chỉ đạt khoảng 815 tỷ đồng doanh thu hoạt động.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)