Trái cây, gạo Việt khó vào Mỹ, vì sao?

06/03/2021 15:10:01

Doanh nghiệp muốn vào thị trường Mỹ phải đáp ứng nhiều yêu cầu từ vùng trồng, nhà máy, khách hàng... kèm theo là những rủi ro liên quan đến phòng vệ thương mại

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), ngoài 2 ngành hàng thủy sản và rau củ thì gỗ và các sản phẩm gỗ, hồ tiêu, hạt điều cũng là những sản phẩm đang có nhu cầu lớn tại Mỹ.

Thị trường Mỹ vượt Trung Quốc

Theo Bộ NN-PTNT, 2 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt hơn 6,17 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Về thị trường xuất khẩu, Mỹ tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,04 tỉ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm khoảng 33,05% thị phần; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 1,88 tỉ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ và chiếm 30,53% thị phần. Các thị trường chính còn lại, trừ Liên minh châu Âu (EU) giá trị xuất khẩu giảm 3,1%; còn lại ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng từ 15,5%-25,2%.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết Mỹ nằm trong nhóm 4 thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam nhưng so với tổng lượng nhập khẩu thủy sản của Mỹ thì khá nhỏ. Cục Xuất nhập khẩu dẫn nguồn thống kê nước ngoài cho thấy năm 2020, giá trị nhập khẩu thủy sản của Mỹ đạt 21,89 tỉ USD, giảm 2,3% so với năm 2019. Việt Nam đứng vị trí thứ 6 trong các nước cung cấp thủy sản cho Mỹ, đạt 1,4 tỉ USD năm 2020, chỉ chiếm hơn 6,3% thị phần.

Trái cây, gạo Việt khó vào Mỹ, vì sao?
Trái cây tập kết tại nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn trước khi xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: AN NA

Theo ông Trương Đình Hòe, năm 2021, thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khiến nhiều chuỗi cung ứng chưa thể hồi phục nên nguồn cung thủy sản, đặc biệt là tôm vào Mỹ vẫn bị thiếu hụt và Việt Nam có thể là nguồn cung bổ sung nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt, sản xuất được duy trì. Do đó, khả năng xuất khẩu thủy sản vào Mỹ năm nay sẽ tăng do các nhà nhập khẩu chuyển hướng sang Việt Nam. 

"Tuy nhiên, đối với thị trường Mỹ, nhiều năm nay doanh nghiệp (DN) thủy sản thường xuyên phải "sống chung" với các vụ kiện chống bán phá giá. Kinh nghiệm từ thực tiễn là DN phải đoàn kết và luôn trong tâm thế chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ khi bị kiện, phải có đội ngũ luật sư giỏi, am hiểu luật pháp Mỹ để chứng minh mình không vi phạm. Ngay cả khi DN được ra khỏi vụ kiện này thì vẫn có thể bị vướng vào vụ khác" - ông Hòe nhìn nhận.

Với ngành hàng rau quả, nhiều năm nay xuất khẩu sang Mỹ đều tăng trưởng dương với mức tăng bình quân 10%. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết ngành rau quả xuất sang Mỹ không có mặt hàng cạnh tranh trực tiếp nên không lo ngại vấn đề thuế phòng vệ thương mại. 

"Mỹ là thị trường nhập khẩu rau quả đứng thứ 2 của ta, sau Trung Quốc và tiềm năng vẫn còn lớn. Vấn đề hiện nay là giá cước vận chuyển hàng không quá cao nên không thể xuất khẩu được nhiều. Bao giờ các chuyến bay thương mại nối lại, giá cước giảm, giá trị xuất khẩu trái cây sang Mỹ sẽ tăng nhờ danh mục được phép xuất khẩu tăng cũng như chất lượng trái cây Việt Nam ngày càng tốt hơn" - ông Nguyên tin tưởng.

Khó tăng trưởng mạnh

Mặc dù xuất khẩu nông - lâm - thủy sản vào Mỹ tăng ấn tượng nhưng trong cơ cấu hàng nông sản, tỉ trọng xuất khẩu mặt hàng gạo, trái cây vào thị trường này còn rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là rất thấp.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group, cho biết 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ của công ty đã tăng 15%. "Chi phí logistics hiện đội lên nhiều khiến giá trị đơn hàng tăng theo nhưng biên độ lợi nhuận không thay đổi" - ông Tùng nói và cho biết hiện công ty này mỗi tháng xuất sang Mỹ khoảng 70 container gạo, trong đó có khoảng 30 container gạo ST25 và khoảng 30 container dừa tươi. Một số loại trái cây tươi khác như xoài, thanh long, chôm chôm cũng có đơn hàng thường xuyên. Sắp tới vào mùa sầu riêng sẽ xuất thêm mặt hàng này.

"Đúng là xuất khẩu trái cây, gạo sang Mỹ khó hơn một số thị trường khác, đặc biệt là so với Trung Quốc nhưng không phải là quá khó đến mức DN không làm được. Bằng chứng là từ khi Mỹ mở cửa thị trường cho mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam năm 2008 đến nay, đã có 6 loại trái cây tươi được xuất sang Mỹ và sản lượng xuất khẩu tăng đều mỗi năm" - ông Tùng khẳng định.

Tuy nhiên, ông "vua" xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ cũng thừa nhận làm ăn với thị trường Mỹ nhiều rủi ro, DN muốn vào thị trường này phải đáp ứng nhiều yêu cầu từ vùng trồng, nhà máy, khách hàng... nên xuất khẩu trái cây vào thị trường Mỹ dù tiềm năng nhưng khó phát triển nhanh. 15 năm nay chỉ có khoảng 15-16 DN xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ. 

"Đặc thù của trái cây tươi là có thể bị ảnh hưởng chất lượng nếu gặp điều kiện khách quan không thuận lợi, trường hợp hàng đến nơi bị hư hỏng, không đạt chất lượng phải hủy bỏ, chấp nhận thiệt hại. Một container nhãn đi Mỹ nếu gặp rủi ro, phải hủy hàng thì coi như mất 70.000 USD (bao gồm giá cước vận chuyển), thanh long 30.000 USD, sầu riêng 80.000 USD... nên đây không phải là sân chơi cho những DN ít vốn, ăn xổi" - ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, cũng thừa nhận lâu nay trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không nhiều. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiêu dùng tại Mỹ, các hệ thống siêu thị bán hàng trực tiếp bị giảm doanh thu nên xuất khẩu nông sản, trái cây chế biến sang nước này cũng chậm lại. Bên cạnh đó, dịch bệnh kéo dài khiến việc đi lại giữa các nước bị ách tắc, DN không thể trực tiếp gặp gỡ đối tác để chào hàng nên khó phát triển thêm khách hàng lẫn đơn hàng mới. "Năm nay sẽ khó phát triển hơn mà chỉ cố gắng duy trì ở mức tương đương năm 2020" - ông Viên dự đoán.

Cảnh báo tác động bất lợi do phòng vệ thương mại

Năm 2020, Mỹ trở thành nhà nhập khẩu nông - lâm - thủy sản Việt Nam số 1 với giá trị xuất khẩu gần 11 tỉ USD, tăng 23,3% so với năm 2019 và chiếm 26,65% thị phần. Trong khi giai đoạn 2010-2019, vị trí này luôn thuộc về Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm, từ 3,3 tỉ USD năm 2010 lên 10,9 tỉ USD năm 2019, sau đó giảm còn 10,36 tỉ USD vào năm 2020.

Bộ NN-PTNT nhận định Mỹ là thị trường có thu nhập cao, nhu cầu lớn nhưng đi kèm là thách thức: Mỹ tiếp tục gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại mà chủ yếu là thuế chống bán phá giá và tăng cường tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng... Điều này sẽ gây tác động bất lợi tới xuất khẩu các nhóm hàng lớn như thủy sản, hồ tiêu, gỗ và các sản phẩm gỗ.

Theo Phương An - Ngọc Ánh (Nld.com.vn)

Nổi bật