Chị Thanh tại chợ An Bình (quận 5) thì cho biết, cam sành của chị là hàng chất lượng được mua dưới miền Tây, quýt đường thì lấy ở chợ đầu mối của tiểu thương miền Bắc. Riêng các loại lê, nho đa phần là hàng nhập khẩu nên chất lượng đảm bảo. Thế nhưng, theo quan sát, hầu hết hàng được tiểu thương này lấy ra từ các thùng có ghi xuất xứ Trung Quốc.
Hồng giòn, lê Trung Quốc giá rẻ bán đầy chợ. Ảnh: Phương Đông. |
Theo tiết lộ của chủ sạp trái cây tại chợ Căn Cứ thì hầu hết các loại trái cây nghịch mùa như dưa lê, hồng giòn, cam sành, quýt, nho không hạt đều nhập từ Trung Quốc. Lợi thế của trái cây xuất xứ Trung Quốc là kích thước quả to và màu sắc bóng mượt nên khách chuộng mua để cúng nên mỗi ngày bán ra thị trường cả trăm kg.
“Nguồn hàng này luôn dồi dào và ổn định nên giá bán cũng rẻ hơn trái cây nội địa, ví dụ hồng giòn 20.000 đồng, nho 45.000 đồng một kg. Dịp cuối năm thì trái cây đặc sản từ các tỉnh chuyển về ồ ạt và tỉ lệ hư hao cũng nhiều, tôi bắt buộc phải lấy thêm hàng nhập này để bù lại”, chủ sạp này nói.
Không chỉ hai chợ trên mà tại một số chợ như An Nhơn, Căn Cứ (quận Gò Vấp), Thị Nghè (quận Bình Thạnh), Thái Bình (quận 1) cũng nhan nhản các sản phẩm trái cây Trung Quốc nhưng gắn mác trong nước và ngoại nhập. Không những thế, những nơi này còn bán cả bánh kẹo Trung Quốc nhưng hầu hết đều được tiểu thương cho là hàng Việt. Trong đó, phổ biến nhất là các loại mứt, rau củ sấy ghi xuất xứ Đà Lạt được bán với giá dao động từ 45.000 đến 120.000 đồng một kg, nhưng hoàn toàn không có thông tin nhãn hiệu, cơ sở sản xuất hay hạn sử dụng.
Bà Diệp, tiểu thương tại chợ An Nhơn cho biết những ngày gần đây sức mua tăng khoảng 20% so với ngày thường nhưng vẫn chưa bằng năm ngoái. Năm nay, các loại kẹo dẻo, kẹo sôcôla đủ màu sắc và hình dạng như đồng tiền, thỏi vàng, dưa hấu… đóng trong túi nilon 1kg có giá khuyến mãi khoảng 60.000 đồng đang rất hút khách.
Nho Trung Quốc nhưng được gắn mác Mỹ. Ảnh: Phương Đông. |
Tại chợ Bình Tây (Q.6) - chợ sỉ các mặt hàng nhu yếu phẩm lớn nhất phía Nam, rất nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ Tết như: bánh kẹo, hạt dẻ, hạt điều, các loại mứt hoa quả… được người bán hàng giới thiệu “nói không với hàng Trung Quốc, chỉ có hàng Việt và ngoại nhập”, nhưng khi quan sát hầu hết các sản phẩm đều được đặt trong những thùng carton in chữ Trung Quốc.
Mặc dù, đa phần người bán hàng cố tình tránh né hai chữ “Trung Quốc” khi nói về xuất xứ hàng hóa với khách hàng, nhưng cũng có khá nhiều chủ cửa hàng thẳng thắn nói rõ nguồn gốc.
Chị Hằng, chủ sạp bánh kẹo ở gần cổng chính của chợ Bình tây cho biết, hạnh nhân, hạt dẻ cười đều được chị lấy từ Trung Quốc. “Tôi năm nào chẳng bán. Hàng Trung Quốc rẻ, ngon mà chất lượng là bán được. Từ năm ngoái đến năm nay chưa khách hàng nào phàn nàn cả”, chị Hằng nói.
Trao đổi với VnExpress, đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, gần Tết hàng Trung Quốc về chợ khá nhiều. Đặc biệt, thời điểm này các loại trái cây như dưa lê, hồng giòn, cam sành, quýt ở Trung Quốc đang vào mùa nên có giá khá rẻ, mẫu mã đẹp dễ trưng Tết, nên hàng Việt khó cạnh tranh lại. Đa phần các sản phẩm đều được kiểm tra rõ ràng. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, rất nhiều sản phẩm trái cây được tiểu thương nhập lậu qua các đường khác nhau nên không tránh khỏi hàng kém chất lượng. Do vậy, người tiêu dùng nên cẩn trọng và tinh mắt khi mua hàng.
Hôm 31/12/2016, Đội quản lý thị trường 6B, thuộc Chi cục Quản lý thị trường TP HCM bất ngờ kiểm tra một kho chứa hàng tại 127 An Dương Vương, phường 10, quận 6. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 4 tấn hạt dẻ do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ và 6,4 tấn nho khô, mứt táo không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng.
Riêng tuần đầu tháng 1/2017, quản lý thị trường TP HCM đã tiến hành kiểm tra 23 công ty, cửa hàng, hộ kinh doanh, cơ sở chế biến, sản xuất tại các chợ và trên đường phố, trong đó hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ; không rõ nguồn gốc xuất xứ đã tạm giữ 11.871 kg đường cát, nho khô, hạt dẻ, khô bò và 1.274 đơn vị sản phẩm bánh kẹo, nước tăng lực…
Theo Thi Hà - Phương Đông (VnExpress.net)