Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp, cửa hàng từ lớn đến nhỏ đều chao đảo. Nhưng nhìn rộng hơn, đại dịch cũng buộc các đơn vị kinh doanh phải vận động và thay đổi mô hình, từ đó có thể mang lại các hàng hóa, dịch vụ giá cả tốt hơn tới tay người tiêu dùng.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều chủ cửa hàng đã chuyển cơ sở kinh doanh từ mặt phố lớn vào trong ngõ, hẻm, đẩy mạnh mô hình bán hàng online để tiếp tục trụ vững.
Anh Đức Kim Cường từng thuê cửa hàng mặt tiền đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM làm cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng, gốm sứ. Tuy nhiên sau 2 năm, anh vừa quyết định trả mặt bằng phố, chuyển về thuê trong hẻm Thạch Thị Thanh, quận 1 để làm cơ sở bán hàng online.
VTV dẫn lời anh Cường như sau: "Chúng tôi bắt buộc phải chuyển vào trong ngõ để giảm chi phí mặt bằng, đồng nghĩa mình có thể cầm cự qua mùa Covid-19 này. Giá trong ngõ chỉ tầm 60 - 70% so với ở ngoài mặt đường, 30% còn lại chúng tôi lấy nó để bù cho chi phí vận hành khác".
Thuê cửa hàng trong ngõ, anh Cường cắt giảm được hai nhân viên và một bảo vệ do không phải thường xuyên tiếp khách hàng trực tiếp.
Hiện chỉ có một nhân viên giúp anh chốt đơn hàng, trả lời thắc mắc của khách, đóng gói và giao hàng cho bên vận chuyển. Theo anh Cường, mặt bằng trong ngõ không chỉ có giá rẻ hơn mà hợp đồng thuê nhà cũng linh hoạt hơn so với ở phố.
"Riêng với thời kỳ Covid này, chúng tôi cũng đàm phán lại với chủ nhà. Thay vì đóng 6 tháng đến 1 năm, chúng tôi chỉ cần đóng 1 tháng một lần vì chủ nhà rất tạo điều kiện".
Ngã 6 Phù Đổng, nút giao của 6 con đường lớn ở trung tâm TPHCM với hơn 1 triệu lượt người qua lại mỗi ngày, được xem là vị trí đắc địa cho các cửa hàng thời trang và ăn uống. Tuy nhiên nơi đây cũng không năm ngoài làn sóng trả địa điểm ngoài mặt phố để vào hẻm.
Đặc biệt, nhu cầu thuê nhà mặt tiền để kinh doanh giảm đi nhưng giá thuê hiện vẫn ở mức cao. Chia sẻ với VTV, những người sống quanh ngã 6 Phù Đổng cho biết bình thường mặt bằng kinh doanh ở đây kín tới hơn 90%, còn thời điểm hiện tại lượng mặt bằng kinh doanh có khách thuê chỉ từ 30-50%. Trong khi đó, giá thuê mặt bằng chung giảm nhẹ từ 10-20% so với năm ngoái.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc giảm nhu cầu thuê nhà phố mặt tiền để kinh doanh trong hẻm không chỉ do dịch bệnh mà còn là sự chuyển dịch về mặt bằng bán lẻ. Thói quen mua sắm trực tuyến hình thành rất nhanh trong giới trẻ và lan sang những đối tượng khác bởi sự tiện lợi mà nó đem lại quá rõ ràng.
Còn từ phía chủ nhà, các nhân viên môi giới cho biết tâm lý chung của chủ nhà là do ảnh hưởng của dịch bệnh nên những cửa hàng ế khách mới phải trả mặt bằng. Họ vẫn vững tin là khi hết dịch, nhà nước mở lại các đường bay quốc tế, giao thương trở lại bình thường thì việc buôn bán sẽ trở lại như xưa.
Vì vậy, họ chỉ hỗ trợ người thuê nhà chứ không đồng ý giảm giá thuê. Và thực tế, thị trường mặt tiền nhà phố cho thuê tại TP.HCM cũng chưa bao giờ có xu hướng giảm nên thuyết phục để chủ nhà giảm giá cho thuê mặt tiền là rất khó.
Theo Nhật Anh (Trí Thức Trẻ)