Chiến tranh thương mại vào tận nhà người Mỹ
Trung Quốc ngày 23/8 áp thuế quan bổ sung 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa Mỹ, ngay sau khi Mỹ áp thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Động thái "ăn miếng trả miếng" đẩy cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lên một nấc thang mới.
Washington và Bắc Kinh cùng thể hiện quan điểm không nhượng bộ, dù Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen đang có mặt ở Mỹ để đàm phán thương mại với Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ David Malpass.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn một tuyên bố của Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết thuế mới đã được áp lên hàng hóa Mỹ, sau khi kế hoạch áp thuế lên hàng Trung Quốc được Mỹ chính thức triển khai khi bắt đầu ngày 23/8 theo giờ Mỹ.
Một tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nói chương trình áp thuế mới nhất của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc là vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). "Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đưa ra biện pháp đáp trả", tuyên bố nói.
Danh sách đánh thuế hàng Mỹ lần này của Trung Quốc bao gồm 333 sản phẩm, từ xe hơi cỡ lớn, xe gắn máy đến xe đẩy trẻ em. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn một tuyên bố của Ủy ban Thuế quan thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết kế hoạch đánh thuế của nước này có hiệu lực cùng thời điểm Mỹ bắt đầu áp thuế lên hàng Trung Quốc.
Như vậy, đến nay, Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế lên tổng cộng 50 tỷ USD hàng hóa của nhau, đồng thời đe dọa sẽ đánh thuế bổ sung thêm hàng trăm tỷ USD hàng hóa nữa. Trong khi đó, vòng đàm phán đang diễn ra ở Washington không được đặt nhiều hy vọng.
Tuần trước, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đã cảnh báo Trung Quốc không nên đánh giá thấp quyết tâm của Tổng thống Donald Trump trong việc buộc Bắc Kinh phải thay đổi chính sách thương mại. "Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn không nên đánh giá thấp sự cứng rắn và sẵn sàng của Tổng thống Trump trong cuộc chiến loại bỏ các hàng rào thuế quan, phi thuế quan và hạn ngạch nhằm chặn đứng tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ cưỡng ép", ông Kudlow nói với hãng tin CNBC.
Một bài bình luận của Tân Hoa Xã ngày 23/8 cũng bày tỏ quan điểm thận trọng về kết quả có thể đạt được trong vòng đàm phán ở Washington. "Phương pháp sức ép tối đa với logic quyết không nhượng bộ và tinh thần trò chơi tổng bằng 0 đã chứng tỏ không có tác dụng với Trung Quốc, và có nguy cơ tiếp tục chẳng mang lại kết quả gì".
"Khi đưa ra chiến lược thương mại của mình với Trung Quốc, Washington không nên bỏ qua tiếng khóc của những ngành công nghiệp Mỹ đã hoặc sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc đối đầu hiện nay với Trung Quốc", bài báo viết.
Theo dự báo của giới chuyên gia kinh tế, thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc đã áp và đe dọa áp lên thêm hàng hóa của nhau có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh. Một số ước tính cho rằng xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc mất 0,2 điểm phần trăm trong năm nay và 0,3 điểm phần trăm trong năm 2019.
Các chuyên gia cũng cho rằng cứ mỗi 100 tỷ USD hàng hóa bị áp thêm thuế quan, giá trị thương mại toàn cầu có thể giảm khoảng 0,5%.