Mua dễ như rau
Chỉ cần vài cú nhấp chuột trên TikTok Shop, Shopee, Lazada... người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy hàng ngàn sản phẩm gắn mác TPCN “xách tay” từ Mỹ, Nhật, Úc, Đức… Giá cả dao động từ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng/hộp. Người bán thường quảng cáo “xách tay chính hãng”, “Hàng do tiếp viên hàng không mua về”, “không cần lo về chất lượng”, “Giá rẻ vì không qua trung gian"...
Tuy nhiên, khi bị hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc hay tem chống hàng giả, phần lớn người bán đều vòng vo: “Hàng xách tay nên không có giấy tờ”, “Không có tem phụ vì là hàng chuẩn nước ngoài”...
Chị Nguyễn Thị Ánh (32 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP HCM) chia ser: “Tôi mua viên bổ xương khớp ‘xách tay từ Nhật’ với giá 450.000 đồng/hộp. Người bán nói chắc nịch đây là hàng nội địa Nhật chuẩn, không qua trung gian. Tôi đặt hàng buổi sáng, chiều đã nhận được”. Sự nhanh chóng và tiện lợi khiến chị Ánh lúc đầu rất hài lòng.
Cũng mua hàng qua mạng, chị Lê Huyền Trang (quận Tân Bình, TP HCM) từng đặt viên sắt dành cho bà bầu được quảng cáo là “hàng Mỹ chính hãng” từ một hội nhóm trên Facebook.
“Vỏ hộp rất đẹp, trông sang trọng, nhưng không hề có hướng dẫn tiếng Việt, không tem phụ, không chứng từ gì. Tôi thắc mắc thì người bán bảo 'Hàng nội địa nên không cần nhãn phụ'”, chị Trang nói.
Chị Trang chia sẻ, sau đó khi mang sản phẩm tới hỏi hiệu thuốc thì mới biết loại viên sắt này chưa từng được nhập khẩu chính ngạch tại Việt Nam, và không có tên trong danh sách cấp phép của Cục An toàn thực phẩm, đến khi chị liên hệ lại với người bán thì đã không biết mình bị chặn từ bao giờ.
Tiền mất tật mang
Đằng sau sự tiện lợi mua nhanh bán gọn là vô vàn rủi ro. Từ hàng không rõ nguồn gốc đến nguy cơ dị ứng, rối loạn sức khỏe, thậm chí tiền mất tật mang.
Không may mắn như chị Trang hay chị Ánh, bà Trần Thị Huyền (60 tuổi, Đồng Nai) đã trải qua hậu quả nặng nề hơn khi mua thực phẩm chức năng xách tay qua mạng, chia sẻ: “Tôi đặt mua viên bổ mắt và chống đột quỵ xách tay từ Nhật Bản. Uống hơn ba tháng mà thị lực vẫn giảm, lại thêm đau đầu liên tục. Đi bệnh viện kiểm tra, bác sĩ kết luận tôi bị dị ứng với thành phần thuốc”.
Theo bà Huyền, người bán hoàn toàn không hỏi bà có đang dùng thuốc gì khác, có tiền sử dị ứng hay không. “Họ chỉ quảng cáo thuốc tốt, uống vào sáng mắt, khỏe não”, bà Huyền nói.
Trong khi nhiều người dùng vội vàng tin vào lời quảng cáo, anh Vũ Đức Hoàng (38 tuổi, Hà Nội) lại cẩn trọng hơn nhờ thói quen tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi mua. “Tôi thường xuyên mua hàng ngoại cho gia đình. Gần đây thấy một loại dầu cá Omega-3 bên Úc, giá gốc hơn 600.000 đồng mà họ rao chỉ 350.000 đồng. Thấy rẻ bất thường, tôi nghi ngờ là hàng trôi nổi hoặc gần hết hạn”, anh Hoàng cho biết.
Theo anh Hoàng, nhiều người vì tâm lý sính ngoại hoặc tiết kiệm vài trăm nghìn mà sẵn sàng đánh đổi sức khỏe. “Hàng chuẩn không bao giờ rẻ bất thường như thế, lại giao nhanh quá mức thì cần đặt dấu hỏi”, anh nhấn mạnh.
Dù tiện lợi và phổ biến, thực phẩm chức năng không phải là thuốc, nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể nếu sử dụng sai cách hoặc dùng sản phẩm không rõ xuất xứ. Trên thực tế, nhiều người sau khi dùng các viên uống xách tay qua mạng đã gặp tình trạng không hiệu quả, rối loạn tiêu hóa, nổi mẩn, thậm chí dị ứng nghiêm trọng.
Chưa kể, nhiều sản phẩm gắn mác xách tay thực chất là hàng trôi nổi, hết hạn, không qua kiểm định, hoặc được đóng gói lại từ nguyên liệu không đảm bảo. Mức độ kiểm soát về chất lượng, hạn sử dụng, điều kiện bảo quản… gần như bằng 0.
Theo khảo sát thực tế, phần lớn người bán TPCN online là “tay ngang” - từ nhân viên văn phòng, mẹ bỉm sữa, thậm chí cả sinh viên. Chỉ cần nhập hàng từ chợ sỉ hoặc các hội nhóm chuyên xách tay là có thể mở shop trên TikTok, Shopee, Facebook. Việc livestream bán hàng càng khiến người mua khó kiểm chứng thông tin.
Chị Lê Thị Thảo (40 tuổi, kinh doanh TPCN xách tay trên TikTok) chia sẻ: “Nguồn hàng thì nhiều, chủ yếu lấy từ người quen ở Mỹ, Nhật gửi về hoặc nhờ tiếp viên hàng không xách về. Mỗi đợt lời được 100.000 - 300.000 đồng/hộp. Không có giấy tờ gì, bán chủ yếu theo niềm tin và đánh vào tâm lý ‘hàng ngoại mới tốt’ của người Việt”.
Người tiêu dùng chuộng hàng rẻ, không rõ nguồn gốc
Theo thống kê từ nền tảng phân tích Metric, quý I/2025, ngành hàng TPCN trên các sàn TMĐT đạt doanh số hơn 2.200 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm lại không đến từ gian hàng chính hãng.
Cụ thể, trên Shopee, chỉ 22,6% sản phẩm TPCN thuộc về các gian hàng có chứng nhận chính hãng; con số này trên TikTok Shop là 32,2%. Các sản phẩm còn lại đến từ những shop cá nhân hoặc không xác định được nguồn gốc.
Người tiêu dùng thường bị hấp dẫn bởi mức giá rẻ, bao bì đẹp, quảng cáo hấp dẫn từ KOLs, người nổi tiếng, nhưng lại thiếu kỹ năng kiểm tra thông tin sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hoặc thành phần.
PGS.TS.BS Đinh Thanh Bình (nguyên Chủ nhiệm khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện 354, Bộ Quốc phòng) cảnh báo: “Người khỏe mạnh không cần thiết phải dùng thực phẩm chức năng. Nếu dùng phải có chỉ định của bác sĩ để tránh dư chất, gây rối loạn chuyển hóa hoặc tương tác với thuốc điều trị. Cần phân biệt rõ giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh”.
Đầu tháng 5/2025, Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ gần 100 tấn TPCN giả, ghi nhãn “sản xuất tại Nhật, Mỹ”, nhưng thực tế là hàng từ Trung Quốc, không có thành phần cụ thể. Nhóm này lập công ty “ma”, in nhãn mác giả, phân phối qua mạng xã hội, nhắm đến người cao tuổi và trẻ em.
Theo PGS.TS.BS Đinh Thanh Bình, đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi dùng TPCN không rõ nguồn gốc. Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, người cao tuổi thường mắc bệnh nền nên nguy cơ gặp biến chứng cao hơn nhiều lần.
“Ở Nhật Bản, TPCN chỉ được bán tại kênh phân phối chuyên biệt, có dược sĩ tư vấn. Còn ở Việt Nam thì ai cũng có thể bán, ai cũng có thể mua. Đó là lỗ hổng rất lớn”, ông Bình nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Huy Thắng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, theo Điều 194 Bộ luật Hình sự, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là TPCN có thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm, tăng nặng nếu có tổ chức hoặc mang tính chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, hiện việc quản lý thị trường TPCN trên các nền tảng số vẫn còn lỏng lẻo. Nhiều người bán lợi dụng sự thiếu kiểm soát để đẩy hàng giả, hàng nhái ra thị trường, trong khi người tiêu dùng lại ít được cảnh báo, hướng dẫn phân biệt thật – giả.
“Cần tăng cường hậu kiểm và yêu cầu các sàn TMĐT chịu trách nhiệm liên đới khi phát hiện gian hàng vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông cảnh báo để người dân cảnh giác, không mua hàng theo cảm tính hay tin lời quảng cáo vô căn cứ”, luật sư Thắng đề xuất.
Theo Công Thành (SHTT)