TP HCM mời nhà sản xuất pin cho Tesla vào đầu tư

16/08/2018 09:57:54

Việt Nam và Philippines đang tích cực chào mời công ty sản xuất pin dành cho xe điện Tesla đến xây dựng nhà máy.

TP HCM mời nhà sản xuất pin cho Tesla vào đầu tư

Ông Lê Hoài Quốc - Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) vừa tiết lộ, đơn vị này đang trong giai đoạn thuyết phục công ty chuyên sản xuất pin cung ứng cho xe điện Tesla vào đầu tư. Công ty có trụ sở chính tại Silicon Valley (Mỹ) và chưa thể công bố tên.

"Chúng tôi đã có những cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp này. Họ đang xem xét các điều kiện, giá thuê đất và những ưu đãi của chúng ta. Hiện tại, họ chỉ còn cân nhắc giữa TP HCM của Việt Nam và một địa điểm tại Philippines", ông Quốc cho biết.

Người đứng đầu SHTP nói nếu doanh nghiệp sản xuất pin cho Tesla chọn thì Khu công nghệ cao có thể cấp giấy phép đầu tư ngay trong năm nay. Ước tính, dự án có giá trị vốn đầu tư khoản 500 triệu USD. 

"Pin cho xe điện Tesla là dòng pin đặc chủng khá phức tạp, rất ít hãng làm được. Công ty này cũng đã có đủ các chứng nhận về sản xuất pin đạt tiêu chuẩn môi trường của chính phủ Mỹ", ông Quốc chia sẻ thêm.

Giữa tháng 7/2018, Tesla chính thức công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tại Thượng Hải (Trung Quốc). Elon Musk thậm chí đặt mục tiêu công suất tối đa cho nhà máy đến 500.000 xe mỗi năm. Hiện hãng chỉ có một nhà máy tại Fremont, California (Mỹ).

Với kế hoạch xây nhà máy tại Trung Quốc của Tesla thì các hãng phụ trợ trong chuỗi sản xuất chọn Đông Nam Á để xây nhà máy cung ứng không quá bất ngờ. Việt Nam, Philippines có lợi thế đã thu hút được các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư, trong khi giá nhân công rẻ hơn Trung Quốc. Riêng SHTP cũng có dự án tỷ USD của Mỹ là Intel và các tên tuổi lớn khác như Samsung hay Nidec.

Không tính dự án sản xuất pin cho Tesla, SHTP đặt mục tiêu năm 2018 thu hút được 600 triệu USD vốn đầu tư, chiếm tỷ trọng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP HCM. Năm 2017, giá trị một công nhân của SHTP tạo ra là 300.000 USD, gấp khoảng 15 lần giá trị trung bình của một công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất cả nước tạo ra, vào khoảng 20.000 USD. Giá trị gia tăng của Khu trong 5 năm qua trung bình đạt 23%.

Để tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ cao cho TP HCM, ngoài việc thu hút các nhà đầu tư FDI uy tín, ông Quốc cho biết từ đây đến cuối năm sẽ tổ chức 3 hội nghị khoa học quốc tế, mời khoảng 16 giáo sư danh tiếng của Nhật, Mỹ, Hà Lan, Australia, Anh, Singapore... đến chia sẻ thành tựu và tham vấn ý kiến.

Tại hội nghị “Ứng dụng công nghệ nano và vật liệu mới” diễn ra cuối tháng này sẽ có giáo sư Sumio Iijima (Đại học Meijo, Nhật Bản) người đã phát minh ra vật liệu carbon nanotube năm 1991, đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của công nghệ và vật liệu nano thế giới.

Diễn đàn MEMS cuối tháng 9 có sự góp mặt của gần 10 giáo sư quốc tế. Hội nghị thường niên cuối tháng 11 chủ đề "Robot và trí tuệ nhân tạo" có 2 giáo sư gốc Việt từ Anh và  Nhật về nước chia sẻ kiến thức.

"Hội nghị khoa học của chúng tôi khác các trường viện ở chỗ chuyên giới thiệu các thành tựu công nghệ mới nhất và có tiềm năng thương mại hóa để doanh nghiệp trong và ngoài Khu quan tâm đầu tư, mục tiêu là hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ cao cho Thành phố", Trưởng ban SHTP nói.

Theo Viễn Thông (VnExpress.net)

Nổi bật