TP HCM: Giá nhà đất tại Cần Giờ bắt đầu ‘dậy sóng’

14/03/2021 10:08:29

Quy hoạch khu đô thị lấn biển Cần Giờ rộng gần 3.000 ha với 5 phân khu gồm nhiều chức năng khác nhau vừa được thông qua.

Giá nhà đất bắt đầu "nhảy múa"

Cần Giờ là huyện đảo có tiềm năng phát triển du lịch, hệ sinh thái khi sở hữu 13 km đường bờ biển và chỉ cách TP HCM khoảng 70 km. Mặc dù có lợi thế về quỹ đất nhưng do hạ tầng giao thông chưa đồng bộ khiến cho thị trường bất động sản Cần Giờ trong những năm qua không có nhiều biến động.

Nhưng khi thông tin xây cầu thay cho phà Bình Khánh, nối Cần Giờ với huyện Nhà Bè khiến bất động sản nơi đây "dậy sóng". Sau khi cây cầu hoàn thiện, cư dân mua đất tại Cần Giờ và sinh sống ở đây sẽ dễ dàng di chuyển vào trung tâm thành phố cũng như các vùng lân cận. Ngoài ra, tuyến vận tải hành khách đường thủy TP HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu đã đi vào hoạt động, cũng góp phần tăng giá đất.

Và mới đây theo quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình ký vào cuối tháng 2/2021, khu đô thị lấn biển Cần Giờ rộng gần 3.000ha với 5 phân khu một lần nữa đã "thổi" giá nhà đất khu vực này tăng lên chóng mặt.

TP HCM: Giá nhà đất tại Cần Giờ bắt đầu ‘dậy sóng’
Một khu đất tại xã An Thới Đông có diện tích 1.000m2 đang rao bán với giá 3,8 tỷ đồng/m2. Ảnh: V.T

Theo tìm hiểu của PV, giá đất Cần Giờ hiện nay đã tăng gấp nhiều lần so với các năm trước, một số vị trí đẹp, đất mặt tiền đường duyên hải, đoạn gần đường 30/4 giá đất đã hơn 30 triệu/m2. Một số địa điểm khác như khu vực thị trấn Cần Thạnh còn có giá vượt ngưỡng 50 triệu/m2. Phần lớn các giao dịch mua bán nhà, đất huyện Cần Giờ chủ yếu là đầu cơ chờ thời, việc mua nhà, đất để ở là không cao.

Thời điểm trước năm 2016, giá nhà đất huyện Cần Giờ vẫn luôn giữ ở mức ổn định với mức giá thấp nhất tại TP HCM. Sau đó, những năm 2017, 2018, cơn sốt đất bất ngờ xuất hiện. Kể từ năm 2018, giá đất nơi đây tăng nóng ở những địa điểm như: Bình Khánh, Cần Thạnh, Long Hòa dao động từ 200 - 300%. Năm 2020, cũng tại Cần Thạnh, giá đất đang được giao dịch ở mức từ 7 - 20 triệu đồng/m2 tùy vị trí, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ. Hay như tại xã Long Hòa, đất nền có giá giao dịch dao động 4 - 11 triệu đồng/m2, tăng 20% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, sau khi có thông tin quy hoạch khu đô thị lấn biển, giá đất ở khu vực này đã tăng lên từng ngày, từng giờ. Theo một số cò đất tại đây, giá đất Cần Giờ đã tăng chóng mặt so với cùng kỳ, mỗi m2 đã tăng hàng chục triệu đồng, đặc biệt đất càng gần tuyến đường nối ra biển Cần Giờ có giá càng cao.

Theo anh V.T (ngụ quận Bình Thạnh), một nhà đầu tư thứ cấp tại Cần Giờ cho biết, trước đây khu vực này như một ốc đảo, lượng khách du lịch đông vào kỳ nghỉ lễ và họ chỉ đi trong ngày. Nguyên nhân là do chưa có khu vui chơi giải trí nào níu chân du khách kèm theo hạ tầng giao thông chưa phát triển, đi lại khó khăn.

"Vài năm về trước giá đất ở Cần Giờ gần như không có biến động, giao dịch thấp, nhiều dự án khu đô thị mới dù đã làm hạ tầng nhưng đều nằm im. Còn tình hình thị trường nhà đất Cần Giờ hiện nay lại thay đổi chóng mặt. Nhất là khi có thông tin quy hoạch khu đô thị lấn biển.", anh V.T nói.

Khảo sát thực tế, cho thấy trước năm 2016 nhà đất trên đường Rừng Sát hầu như không có nhiều giao dịch. Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay giá các khu đất rộng hơn 1.000 m2 đã tăng khá nhiều, những vị trí càng gần trung tâm thị trấn huyện thì giá tăng khoảng 60%.

Đơn cử như một lô đất có diện tích 1.500 m2 nằm ở Bình Khánh có giá chào bán khoảng 14,5 triệu đồng/m2, trong khi đó những năm trước có giá 3 triệu đồng/m2 nhưng cũng không ai hỏi mua. Hiện nay, nhiều người đã vào các tuyến đường nhỏ hơn ở xã Long Hoà, Bình Khánh, Lý Nhơn… để tìm đất với giá khoảng 5 triệu/m2 tuỳ vị trí, mức giá này đã tăng gấp đôi so với năm trước.

Một số khu vực nằm sát những dự án lớn đang triển khai xây dựng ở ven biển Cần Giờ, giá nhà đất cũng đã tăng khoảng 20% so với thời điểm trước. Theo cò đất ở đây, có nhiều nhà đầu tư "ôm" đất Cần Giờ với mục đích đầu cơ hoặc mua đi bán lại kiếm lời.

Anh V.T chia sẻ, anh đang "găm" hàng trăm ha đất nông nghiệp ở đường Rừng Sát để chờ thời. "Giờ đây, khi có thông tin quy hoạch khu đô thị, kèm theo hạ tầng giao thông được đầu tư, giá đất khu vực này sẽ ngày một tăng lên. Từ năm 2019, tôi đã mua khá nhiều đất nông nghiệp ở đây để đầu tư và đang cân nhắc thời điểm bung hàng để kiếm lời", anh T nói.

Hơn 215.000 tỷ đồng đầu tư khu đô thị du lịch lấn biển

Vào năm 2004, UBND TP HCM quyết định giao CTCP Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư dự án Lấn biển và Khu đô thị Cần Giờ. Đến năm 2007, chủ đầu tư khởi động dự án trên diện tích 600 ha theo quyết định giao đất nhưng dự án bị đình trệ do chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính.

Giữa năm 2015, thành phố đồng ý cho một tập đoàn tư nhân tham gia làm đối tác chiến lược để dự án được tiếp tục thực hiện. Do tổng vốn đầu tư dự án lớn hơn 5.000 tỷ đồng và có hạng mục xây dựng, kinh doanh sân golf nên thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư thuộc Thủ tướng.

Sau 5 năm, ngày 12/6/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có tổng diện tích gần 3.000 ha, 5 phân khu chức năng với tổng mức đầu tư 217.000 tỷ đồng.

TP HCM: Giá nhà đất tại Cần Giờ bắt đầu ‘dậy sóng’ - 1
Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có tổng diện tích gần 3.000ha, 5 phân khu chức năng. Ảnh: Quỳnh Danh

Dự án nằm tại xã Long Hòa và Thị trấn Cần Thạnh, do CTCP Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 32.500 tỷ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư); còn lại là vốn vay thương mại. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm (đến năm 2070 với phần mở rộng quy mô; đến năm 2057 với phần diện tích lấn biển 600 ha đã giao cho nhà đầu tư từ năm 2007).

Chính phủ yêu cầu quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; không gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và làm hẹp nguồn nước biển cung cấp cho rừng ngập mặn...

Theo đó, phân khu A rộng hơn 771 ha được quy hoạch thành khu vui chơi, giải trí (công viên chuyên đề, sân golf...), du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu ở (nhà ở liên kế, biệt thự chung cư), thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, khu sử dụng hỗn hợp và an ninh quốc phòng... Dân số tối đa ở đây là hơn 65.000 người.

Phân khu B rộng gần 587 ha được quy hoạch là khu ở, du lịch nghỉ dưỡng, công trình dịch vụ - công cộng đô thị (y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ, văn phòng...), cây xanh đô thị, đầu mối hạ tầng kỹ thuật theo định hướng đô thị hiện đại và thông minh. Dân số tối đa khu vực này là hơn 71.200 người.

Phân khu C quy mô hơn 303 ha, là khu trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng và bến cảng, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu nhà ở (nhà liên kế, biệt thự, nhà cao tầng). Nơi đây được bố trí đồng bộ và đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật... Quy mô dân số tối đa hơn 26.000 người.

Phân khu D, E có tổng diện tích quy hoạch hơn 1.208 ha (phân khu D gần 450 ha; phân khu E hơn 758 ha). Nơi đây được quy hoạch là khu trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, khu nhà ở (nhà ở liên kế, biệt thự). Dân số tối đa khu vực này là gần 66.000 người.

Theo PV (Người đồng hành)

Nổi bật