Những ngày đầu tháng 12, đứng quan sát tại cửa khẩu, Thanh Niên ghi nhận khách du lịch Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, trong đó đều ở tuổi trung niên, rất ít thanh niên và trẻ em. Đáng chú ý, chỉ trong khoảng 1 giờ, chúng tôi ghi nhận có đến 20 xe tour chở khách chạy thẳng từ cửa khẩu đến cửa hàng Thương Trường Phương Đông và Asean nằm cách đó không xa. Theo ông Nguyễn Vinh Linh, Giám đốc một công ty lữ hành tại Quảng Ninh, đây chính là hoạt động đầu tiên của các "tour 0 đồng”. Lịch trình này đã được lập trước từ phía Trung Quốc và du khách phải đến 8-10 điểm mua sắm, còn lại là thời gian ngủ và tham quan vịnh Hạ Long. “Khách du lịch không có trẻ em là bởi đây là đối tượng mà các chủ cửa hàng không chào đón. Nếu kèm theo trẻ em, du khách Trung Quốc sẽ phải trả phí cao khoảng 600 nhân dân tệ/người", ông Linh cho hay.
Để tìm hiểu rõ hơn về loại hình “tour 0 đồng”, chúng tôi quyết định bám theo một xe tour biển số 14B-013.26. Khi chiếc xe dừng lại tại một điểm dừng chân tại xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, chúng tôi sững sờ trước một bàn ăn chỉ có rau, cơm, đậu phộng rang. Một nhân viên tại cửa hàng này cho biết, khách du lịch đi theo “tour 0 đồng” chỉ được công ty lữ hành cho ăn như vậy, muốn ăn ngon hơn, khách phải tự bỏ tiền gọi thêm món. Khi về tới thành phố Hạ Long, khách du lịch sẽ được dẫn đi tham quan vịnh Hạ Long, khiến Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu luôn quá tải. Các tàu du lịch chạy hết công suất, các điểm tham quan ngập tràn khách Trung Quốc.
Bám theo một đoàn khách vừa đi thăm vịnh, chúng tôi vào được bên trong một phòng VIP tại cửa hàng Hưng Đường Thăng Long, tại Trung tâm thương mại Ha Long Marina Plaza, phường Hùng Thắng. Tại đây, du khách được xem một đoạn phim toàn nội dung, hình ảnh, ngôn ngữ bằng tiếng Trung Quốc về công dụng, giá trị của trầm hương. Cửa hàng này còn có các bảng giá bán đệm cao su, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/chiếc. Anh Nguyễn Văn Đ. nhân viên một cửa hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc kiểu này tiết lộ: “Giá như vậy là quá đắt. Nhưng tại các cửa hàng đều có người Trung Quốc đứng ở quầy giao dịch và hướng dẫn khách mua hàng giá ca, thanh toán qua ứng dụng Wechat của Trung Quốc. Sau đó hàng sẽ được chuyển về Trung Quốc, nghĩa là tiền mua hàng ở đây chảy cả về Trung Quốc mà cơ quan chức năng VN không kiểm soát được”.
Chung sống với tour 0 đồng
Theo một số chuyên gia, "tour 0 đồng" như vậy không phải là "mô hình" mới ở Quảng Ninh mà đã xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, tỉnh này đã bị "tour 0 đồng" chi phối, trục lợi, làm ảnh hưởng môi trường du lịch địa phương, nhưng chưa có cách quản lý hữu hiệu. Theo các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, việc xoá bỏ “tour 0 đồng” là không thể mà phải "chung sống" với loại hình này.
Trao đổi với PV, ông Trần Nhuận Vinh, Chủ tịch Hiệp hội hướng dẫn viên Quảng Ninh cho rằng “tour 0 đồng” vẫn đem lại lợi nhuận cho địa phương như: phí tham quan vịnh Hạ Long, các loại phí dịch vụ khác. Chính vì vậy, để quản lý có hiệu quả, cần quản lý thật chặt các cửa hàng phục vụ khách Trung Quốc, trong đó có sự kiểm soát về chất lượng, giá trị thực của các sản phẩm.
Để giám sát các cửa hàng, thành phố Hạ Long đã yêu cầu các cơ sở này phải dùng hoá đơn điện tử. Theo ông Nguyễn Hữu Ban, Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố Hạ Long, các cửa hàng đã hoàn thành việc lắp đặt hoá đơn điện tử, nhưng việc giám sát thuế là rất khó khăn vì việc kiểm tra thuế phải theo chu kỳ, trong khi các cửa hàng này liên tục thay tên đổi họ, chỉ sau một thời gian hoạt động rất ngắn.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cũng cho rằng rất khó dẹp bỏ “tour 0 đồng” vì "du khách đến Quảng Ninh dù theo loại hình nào cũng cần phải được chào đón". Để tránh thất thu thuế, chấn chỉnh hoạt động của các cửa hàng phục vụ khách Trung Quốc, ông Thủy cho biết Sở này cùng với Cục Thuế Quảng Ninh và UBND thành phố Hạ Long đã lên phương án kiểm tra, chấn chỉnh, nhưng việc kiểm tra, chấn chỉnh như thế nào thì ông Thuỷ từ chối tiết lộ.
Theo Lã Nghĩa Hiếu (Thanh Niên Online)