Tổng kiểm toán: Có thể kiện nếu kết luận của chúng tôi sai

01/06/2017 15:29:00

Ông Hồ Đức Phớc khẳng định, kết quả kiểm toán đều kèm bằng chứng một số bộ, ngành đã làm sai khi phân bổ vốn ngân sách 2015.

Ông Hồ Đức Phớc khẳng định, kết quả kiểm toán đều kèm bằng chứng một số bộ, ngành đã làm sai khi phân bổ vốn ngân sách 2015.

Kết luận của Kiểm toán Nhà nước về quyết toán ngân sách năm 2015 nêu ra nhiều tồn tại, hạn chế trong phân bổ vốn ngân sách của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu cơ quan này kiểm điểm và xử lý trách nhiệm cá nhân có liên quan vụ việc tự ý bố trí kế hoạch vốn cho 18 dự án không có cơ sở. Tuy nhiên, sau đó lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng Bộ không làm sai trong phân bổ ngân sách, và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ làm "trọng tài phán xử".

- Sau khi kết luận Kiểm toán Nhà nước được đưa ra, nhiều cơ quan được kiểm toán như Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã phản ứng, không đồng tình. Một số đơn vị được kiểm toán còn cho biết họ không được trao đổi về kết quả kiểm toán ấy. Xin ông nói rõ về việc này?

Trong quá trình thực hiện kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước luôn thực hiện theo đúng quy định của kiểm toán. Họ nói như thế chứng tỏ họ không trung thực, thiếu trách nhiệm vì Kiểm toán Nhà nước khi làm có sự trao đổi, biên bản kiểm toán phải có sự chứng kiến của đơn vị được kiểm toán. Đồng thời chúng tôi cũng có văn bản yêu cầu đơn vị được kiểm toán giải trình các vấn đề mà Kiểm toán Nhà nước yêu cầu. 

Sau đó Kiểm toán Nhà nước mới lên dự thảo để báo cáo, rồi thông qua tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán, tới đoàn kiểm toán... Kế tiếp, hội đồng cấp vụ duyệt, đại diện Tổng kiểm toán Nhà nước (có thể là Tổng kiểm toán hoặc Phó tổng kiểm toán) mới duyệt lại, xem những kết luận này có bằng chứng không, biên bản làm việc ra sao, chứng từ thế nào…? Nên những phản ứng cho rằng kết quả kiểm toán thiếu chính xác thì chứng tỏ, một là người đó không làm trực tiếp, hai là họ thiếu trách nhiệm.

tong-kiem-toan-co-the-kien-neu-ket-luan-cua-chung-toi-sai

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc bên hành lang Quốc hội sáng 1/6.

- Nếu không đồng tình với kết luận của Kiểm toán Nhà nước thì các đơn vị được kiểm toán có quyền gì, thưa ông?

Họ có quyền khiếu nại, thậm chí kiện ra tòa. Phía Kiểm toán Nhà nước bao giờ cũng đề nghị đơn vị được kiểm toán báo cáo giải trình, và chúng tôi đi đến tận cùng gốc rễ của sự việc: Giải trình như thế nào, có đúng luật hay không; rồi phải đưa ra bằng chứng, có tranh luận với nhau và Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm về kết luận của mình.

- Đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng trong quá trình kiểm toán, đã trao đổi rất nhiều lần, không đồng tình quan điểm của Kiểm toán Nhà nước, nhưng cuối cùng kết luận vẫn đưa ra. Ông nhận định thế nào?

Việc phản ứng của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tôi cho là không đúng. Bởi vì chúng tôi mới chỉ nói đến chuyện thủ tục sai chứ chưa nói đến vấn đề trách nhiệm, thất thoát lãng phí. Ví dụ, họ phản ứng là 18 dự án Kiểm toán Nhà nước kết luận không đúng, bố trí vốn theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu nếu theo chỉ đạo thì căn cứ vào văn bản nào, công văn nào, thông báo làm việc nào... thì lại không đưa được ra. Như vậy rõ ràng họ làm việc không đúng.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng việc phân bổ vốn 11 lần do Luật đầu tư công. Tôi lưu ý, Bộ Kế hoạch chính là đơn vị chủ trì soạn thảo luật này, mà theo chỉ thị của Thủ tướng, Luật ngân sách, Luật đầu tư công thì phải phân bổ trước ngày 31/12, tuy nhiên trong 11 lần phân bổ thì chỉ một lần trước ngày 31/12, còn lại 10 lần sau phân bổ sai, sau thời hạn.

- Quan điểm của ông trước việc Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội làm "trọng tài phân xử" vụ việc này?

Họ gửi là quyền của họ. Còn tại Kiểm toán Nhà nước, chúng tôi chưa nhận được công văn nào từ các đơn vị được kiểm toán, kể cả Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Điều quan trọng là kết luận của Kiểm toán Nhà nước có đầy đủ bằng chứng và chịu trách nhiệm trước pháp luật, Quốc hội. Nếu sai thì phải sửa, mới trung thực, còn nếu cần kiểm toán có thể tổ chức họp báo đưa ra những bằng chứng. 

Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, dự toán chi đầu tư phát triển, Quốc hội quyết định năm 2015 là 225.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy còn một số hạn chế, trong đó phần trách nhiệm của Bộ Kế hoạch & Đầu tư là: "Công tác phân bổ và giao đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước tại bộ còn chậm và giao nhiều lần (11 lần), trong đó có 10 lần giao sau ngày 31/12/2014, không đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư bố trí kế hoạch vốn cho dự án khởi công mới còn chiếm tỷ lệ cao, trong khi còn 14 dự án hoàn thành, bàn giao trước 31/12/2014 và 39 dự án dự kiến hoàn thành năm 2015 chưa được bố trí đủ kế hoạch vốn.

Đồng thời, bố trí cho nhiều dự án khởi công mới không đảm bảo các điều kiện; bố trí vốn cho một số dự án thông tin chưa đầy đủ và còn sai lệch. Cơ quan này đã bố trí kế hoạch vốn hơn 575 tỷ đồng (18 dự án) không có cơ sở, vượt tỷ lệ hỗ trợ ngân sách Trung ương 20 tỷ đồng (1 dự án); không đúng đối tượng hoặc vượt tỷ lệ quy định tại các Chương trình 332,47 tỷ đồng (12 dự án); bố trí vốn đối ứng ODA vượt tỷ lệ quy định 2,75 tỷ đồng (2 dự án).

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiểm điểm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan, khắc phục các tồn tại, hạn chế về giao kế hoạch vốn chậm và giao nhiều lần không đúng quy định; giao kế hoạch vốn cho nhiều dự án khởi công mới không đảm bảo các điều kiện...

Theo Hoàng Thuỳ - Anh Minh (VnExpress.net)

Nổi bật