Siêu ủy ban chưa xem xét đơn từ chức của Tổng giám đốc PVN
Chia sẻ với VnExpress ngày 27.3, một lãnh đạo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu ủy ban) cho biết, cơ quan này vẫn chưa quyết định việc có miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Vũ Trường Sơn hay không.
Theo vị này, sau khi nhận được đơn của ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Vụ Tổ chức án bộ của Uỷ ban vốn sẽ tham mưu, báo cáo và đề xuất Ban cán sự Đảng Uỷ ban họp, xem xét quyết định. Tuy nhiên, hiện Vụ Tổ chức cán bộ chưa đề xuất, nên Ban cán sự Đảng chưa họp, xem xét và quyết định. Lãnh đạo này cũng khẳng định, việc miễn nhiệm chức danh với ông Nguyễn Vũ Trường Sơn sẽ được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ.
Trước đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đã có đơn xin từ chức gửi Hội đồng thành viên tập đoàn này. Lá đơn của ông Nguyễn Vũ Trường Sơn gửi từ nhiều ngày trước, nhưng tới ngày 12.3 Hội đồng thành viên PVN mới họp và đồng ý xét đơn.
Tuy nhiên, theo trình tự thủ tục, việc ông Nguyễn Vũ Trường Sơn có được thôi chức vụ Tổng giám đốc PVN hay không cần sự chấp thuận của cơ quan chủ quản là Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Thủ tướng xem xét, quyết định.
Thông tin ông Nguyễn Vũ Trường Sơn bất ngờ có đơn xin từ chức được thị trường đặc biệt quan tâm bởi thời điểm ông Sơn xin từ chức trùng với thời điểm Bộ Công Thương vừa có báo cáo về 13 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực tham dò khai thác dầu khí. Trong đó có dự án đầu tư tại Venezuela của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), nơi ông Sơn từng làm Tổng giám đốc.
Còn theo một nguồn tin khác, trước thời điểm đơn xin từ chức của ông Nguyễn Vũ Trường Sơn được xem xét, ngày 29.1.2019, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đã ký Quyết định số 659/QĐ-DKVN ủy quyền cho ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn được thực hiện phê duyệt, ký chứng từ chuyển tiền thuộc thẩm quyền của Tổng Giám đốc tập đoàn này.
Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Hòa sẽ được phê duyệt, ký các chứng từ chuyển tiền (Ủy nhiệm chi hoặc các chứng từ tương đương) với hạn mức thuộc thẩm quyền của Tổng Giám đốc để thực hiện tạm ứng, thanh toán, cấp vốn/góp vốn/cấp kinh phí cho những dự án thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách của các Phó Tổng Giám đốc dựa trên các quyết định cấp, góp hoặc ứng vốn đã được Phó Tổng Giám đốc phụ trách hoặc người được ủy quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Hòa cũng được Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn ủy quyền phê duyệt, ký các chứng từ chuyển tiền phục vụ cho các hoạt động thanh toán tại Công ty mẹ - Tập đoàn PVN.
Cũng theo quyết định này, ông Nguyễn Xuân Hòa sẽ được miễn trừ mọi trách nhiệm liên quan đến nội dung, tính chính xác, hợp lý, hợp pháp, cũng như quy trình, thủ tục thực hiện công việc theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định nội bộ của việc cấp vốn/góp vốn/ứng vốn/cấp kinh phí đã được phê duyệt/quyết định/chấp thuận bởi Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực/người được ủy quyền.
Theo Quyết định do ông Nguyễn Vũ Trường Sơn ký lúc đó, ông Nguyễn Xuân Hòa chỉ chịu trách nhiệm chi đúng số tiền cho đúng đối tượng được ghi trong Quyết định cấp/góp/ứng vốn, cấp kinh phí đã được phê duyệt/quyết định bởi Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực/người được ủy quyền.
Nguy cơ mất trắng hàng nghìn tỷ đồng tại Venezuela
Theo thông tin công bố trên cổng thông tin điện tử của PVN, ông Nguyễn Vũ Thanh Sơn sinh ngày 10.8.1962, quê quán tại Quảng Trị. Ông Sơn là kỹ sư công nghệ khai thác dầu khí, Đại học Hóa dầu Bacu (thuộc nước Cộng hòa Azerbaijan trong Liên Xô cũ) năm 1986 và là thạc sỹ thiết kế công nghệ hệ thống Đại học RMIT (Úc) năm 2020.
Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc tại PVN, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn là Tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).
Cũng trong khoảng thời gian này, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) đại diện PVN đầu tư vào dự án tại Venezuela. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1,8 tỷ USD cho giai đoạn 1 từ 2010-2015. PVEP đã rót hàng trăm triệu đô vào dự án này. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư được loan báo lên tới 12,4 tỷ USD, phân kỳ làm 2 giai đoạn, ban đầu rót 8,9 tỷ USD, giai đoạn 2 rót 3,5 tỷ USD.
Theo thoả thuận hợp đồng đã ký với đối tác Venezuela, phía Việt Nam phải thanh toán đợt đầu 300 triệu USD phí tham gia hợp đồng trong 6 tháng. Các đợt nộp phí hoa hồng tiếp theo lần 2 và 3, mỗi đợt 142 triệu USD. Điều này đồng nghĩa khi chưa thăm dò, khai thác giọt dầu nào thì PVEP cũng phải trả đầy đủ phí tham gia hợp đồng 584 triệu USD cho đối tác ngoại.
Liên quan đến khoản tiền này, PVN cho biết, việc thanh toán khoản phí này cũng theo luật dầu khí của từng nước mà không thể làm khác được.
“Không thể nào có chuyện chúng ta chuyển tiền cho Venezuela rồi họ lại cắt xén, chia chác, lại quả với nhà đầu tư Việt Nam”, PVN khẳng định.
Được biết, dự án này đang được C03 xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện.
Theo L.T (Dân Việt)