Tại cuộc họp ngày 22/1 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thừa nhận, nhiều trường hợp quản lý thị trường biết rõ nơi sản xuất hàng giả nhưng không thể xử lý.
Đề cập tới loạt vụ rượu giả tại Hà Đông, hay thông tin hàng giả được sản xuất công khai tại La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn tồn tại nhiều năm qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, không phải quản lý thị trường không biết. Tuy nhiên, từ biết tới xử lý triệt để được hay không thì có nhiều khó khăn trong kiểm tra, xử lý.
"Chúng tôi biết nơi sản xuất hàng giả nhưng gặp khó khăn trong xử lý. Trách nhiệm chống hàng giả là của quản lý thị trường, nhưng nếu chỉ riêng lực lượng này thì không đủ, mà cần phối hợp với các cơ quan chức năng khác", ông Linh nói.
Hay trung tâm sản xuất bánh kẹo La Phù đang được cho là nơi chuyên cung cấp hàng giả "toả" đi khắp các tỉnh phía Bắc, ông Trần Hữu Linh cho hay, hoạt động sản xuất của các hộ ở đây tinh vi, khó phát hiện hơn trước. Nhiều hộ kinh doanh đã chuyển sang đăng ký lên doanh nghiệp, nên để xác định hàng sản xuất có kém chất lượng và là hàng giả hay không thì phải kiểm định tại các trung tâm độc lập.
Dẫn trường hợp rượu vang được làm giả tại Hà Đông với giá rẻ, 18.000 đồng một chai, ông Linh thông tin, cơ sở này bị chính quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện sai phạm từ tháng 1/2018. Quản lý thị trường cùng công an quận, phường Phú La (Hà Đông) đã xử phạt hành chính, nhưng cơ sở này vẫn tái diễn với hành vi tinh vi hơn. Tuy nhiên, đây là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, do Phòng Kinh tế phường Phú La cấp phép nên giao cho địa phương xem xét xử lý.
Báo cáo của Ban chỉ đạo 389, năm 2018 đã có 202.980 vụ việc vi phạm bị bắt giữ, xử lý, thu về ngân sách hơn 20.120 tỷ đồng. Trong số này đã khởi tố 1.980 vụ và khoảng 2.340 đối tượng. Số lượng vụ xử lý vi phạm của quản lý thị trường chiếm khoảng 40%, gần 81.000 vụ, nộp ngân sách hơn 490,2 tỷ đồng.
Theo Anh Minh (VnExpress.net)