Chiều 23/8, anh Nguyễn Thanh Cường (quận Bình Thạnh) nhận được thông báo từ chủ nhà trọ, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 2 của quận sẽ thực hiện mô hình “đi chợ hộ” giúp người dân. Theo đó, các phòng trọ khu anh Cường ở sẽ cử một người đại diện, làm đầu mối kết nối, đặt mua thực phẩm cho tất cả các phòng vào ngày thứ Ba hàng tuần, do lịch “đi chợ hộ” ở khu phố chỉ diễn ra vào thứ Tư.
Các mặt hàng được cung ứng từ Bách Hóa Xanh, Hà Hiền, Co.op Food. Chủng loại mặt hàng đa dạng, được tổ dân phố gửi cho anh Cường lựa chọn, như thịt heo xay, ba rọi heo, xương heo, thịt bò, thịt gà, cá diêu hồng, cải ngọt, cải bẹ xanh, cà chua,... giá được tính theo giá thị trường.
“Như vậy là một tuần/lần, tôi sẽ được “đi chợ hộ”. Mong là các mặt hàng gia đình thiếu sẽ được đáp ứng”, anh nói.
Trong khi đó, một số phường tại quận Gò Vấp cũng gửi thông tin các gói combo tới người dân để lựa chọn và đăng ký “đi chợ hộ”.
Dân đi chợ bằng Google Drive, quân đội giao hàng tận nhà
Bà Trần Huỳnh Mai, tổ trưởng tổ dân phố tại phường 8 (quận 10) vừa thông tin tới group zalo cho người dân. Theo đó, tổ dân phố sẽ lập danh sách những hộ gia đình neo đơn, người già không có khả năng đặt hàng trực tuyến về nhu cầu mua lương thực, thực phẩm để UBND phường hỗ trợ đăng ký mua giúp.
Những hộ còn lại sẽ được hướng dẫn mua hàng online theo quy định, với một số combo để lựa chọn như: combo tươi sống 1 (300.000 đồng); combo tươi sống 2 (400.000 đồng); combo trái cây 1 (60.000 đồng) và combo trái cây 2 (120.000 đồng),...
Trao đổi về mô hình “đi chợ hộ” được triển khai rất nhanh tại địa bàn, Chủ tịch UBND phường 8 (quận 10) - ông Nguyễn Hải Phong - cho biết, Phòng Kinh tế quận cung cấp danh mục các gói combo hàng hóa của các siêu thị trên địa bàn quận 10 tới các phường. Phường 8 chọn hai siêu thị gần nhất để đưa các combo vào bảng tính thống kê trực tuyến Google Drive, tạo thành đường link rồi chuyển cho các tổ trưởng dân phố.
Mỗi tổ dân phố có một group riêng để tổ trưởng gửi đường link Google Drive cho người dân.
Trong Google Drive của phường 8 (quận 10), có danh sách các gói combo và chi tiết từng loại hàng hóa. Bên dưới là các thông tin cơ bản của người đăng ký “đi chợ hộ”, gồm: họ tên, địa chỉ, số điện thoại và đánh dấu vào loại combo lựa chọn.
“Người dân chọn combo đăng ký, sau đó phường sẽ tổng hợp. Cán bộ phụ nữ, đoàn thanh niên thống nhất lượng hàng hóa rồi thông báo để siêu thị chuyển hàng”, ông Phong chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo phường 8 (quận 10), việc áp dụng công cụ google drive trực tuyến khá thuận lợi. Thống kê, từ 17h ngày 22/8 đến 9h ngày 23/8, đã có 69 đơn hàng nhờ phường “đi chợ hộ”, với tổng số tiền 19,7 triệu đồng. Số lượng đơn này được chuyển đến người dân vào chiều 23/8. Hiện, đã có hơn 130 đơn hàng trực tuyến cho ngày 24/8, con số này cập nhật tăng liên tục.
Sau khi siêu thị chuyển hàng về phường, Ủy ban phường nhờ lực lượng tăng cường của bộ đội chuyển hàng hóa cho người dân và thu tiền trực tiếp, hoặc người dân nào chuyển khoản thì cũng cung cấp số tài khoản.
Anh Long, một người dân sống trong tổ dân phố do bà Mai phụ trách, nhận xét, tổ trưởng dân phố khu vực nào nhiệt tình và có tâm huyết với cộng đồng thì người dân khu phố đó sẽ được hỗ trợ nhiều. Việc lập group zalo và đăng ký qua Google Drive của tổ dân phố là rất hiệu quả, giúp thông tin được trao đổi và phản hồi nhanh chóng.
Theo tính toán của TP.HCM, phương thức “đi chợ hộ” áp dụng từ 0h ngày 23/8 đến hết ngày 6/9 sẽ giúp cung ứng thực phẩm tới khoảng 9,4 triệu dân của thành phố, trung bình người dân tiêu dùng 10.964 tấn hàng thiết yếu/ngày.
Theo Quảng Định (VietNamNet)