Tỉnh nghèo vượt Hà Nội chiếm top 2 hút vốn FDI, hứa 4 tỷ USD sau 2 năm chưa thấy tiền đâu

18/07/2022 08:50:13

Địa phương này bất ngờ đứng thứ 2 thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào năm 2020, chỉ đứng sau TP.HCM và vượt mặt Hà Nội, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai. Tất cả chỉ nhờ 1 dự án "khủng".

Năm 2020, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài ghi nhận Bạc Liêu đứng thứ 2 trong số các tỉnh/thành thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất. Chỉ với 1 dự án đăng ký đầu tư với số vốn lên tới 4 tỷ USD, Bạc Liêu đã lọt top thu hút FDI. Đó là trường hợp dự án điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu của Công ty Delta Offshore Energy.

Tỉnh nghèo vượt Hà Nội chiếm top 2 hút vốn FDI, hứa 4 tỷ USD sau 2 năm chưa thấy tiền đâu

Nhưng sau 2 năm, dự án này vẫn chưa thể khởi công và chưa biết bao giờ khởi công. Khi đó, số vốn đăng ký 4 tỷ USD vẫn chỉ nằm trên giấy. 

Lý do là hiện dự án vẫn gặp nhiều vướng mắc trong đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA).

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương cũng đã nhắc đến những vướng mắc của dự án này khi có những yêu cầu "không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam".

Theo đó, nhà đầu tư đã yêu cầu trong PPA phải cam kết nhiều điều khoản.

Về bao tiêu sản lượng điện: Nếu bên mua (EVN) không mua hoặc không tiếp nhận điện của nhà máy thì phải chấp nhận cam kết nghĩa vụ bao tiêu sản xuất điện hoặc trả một khoản tiền nhất định cho sản lượng điện nhất định theo thỏa thuận giữa hai bên.

Về chuyển tiếp giá LNG: giá LNG và các chi phí liên quan trong PPA sẽ được áp dụng cơ chế chuyển giá nhiên liệu vào giá bán điện (pass-through).

Về đấu nối và truyền tải: Hợp đồng PPA cần phải quy định Chính phủ (hoặc cơ quan được Chính phủ chỉ định) đứng ra chịu trách nhiệm về các rủi ro liên quan đến tiến độ dự án đấu nối và truyền tải, các sự cố lưới điện và truyền tải trong thời gian hoạt động của dự án ảnh hưởng trực tiếp đến vận hành của nhà máy và doanh thu của Dự án.

Về bảo đảm thanh toán nghĩa vụ của bên Mua điện: Hợp đồng PPA có quy định về đảm bảo của Chính phủ (Bộ Tài chính hoặc một cơ quan do Chính phủ chỉ định) về việc sẽ thay thế EVN thanh toán tiền điện cho bên bán điện trong trường hợp EVN không còn chức năng là một bên mua bán điện theo hợp đồng PPA hoặc EVN rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán tạm thời ở một thời điểm nhất định. Trong trường hợp PPA phải chấm dứt do EVN không có khả năng thanh toán, nhà đầu tư yêu cầu Chính phủ (Bộ Tài chính hoặc một cơ quan do Chính phủ chỉ định) bồi thường thiệt hại trực tiếp và các thiệt hại phát sinh thực tế do vi phạm hợp đồng.

Về Cam kết chuyển đổi ngoại tệ ra nước ngoài và Tỷ giá hối đoái: Được đảm bảo của Chính phủ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho phép công ty được tiếp cận với nguồn dự trữ ngoại hối của quốc gia để thanh toán các nghĩa vụ trả nợ theo cam kết định kỳ hàng tháng và để nhập khẩu nhiên liệu khí LNG cho nhà máy. Được chuyển đổi ngoại tệ theo tỷ giá công bố chính thức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia đảm bảo doanh thu tính theo đô-la Mỹ đủ trang trải các nghĩa vụ trả nợ.

Ngoài ra còn có các yêu cầu khác: Luật áp dụng nhà đầu tư đề nghị áp dụng Luật điều chỉnh hợp đồng PPA là Luật Anh và ngôn ngữ là song ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng PPA bằng trọng tài quốc tế theo thông lệ các hợp đồng quốc tế.

Câu chuyện này cho thấy để thu hút được vốn FDI là không phải dễ, nhưng để số vốn FDI giải ngân trên thực tế càng khó hơn nhiều. Bởi lẽ chỉ khi có tiền thật giải ngân thì mới tạo ra tăng trưởng, thu ngân sách, việc làm... Do đó, cần chú trọng vào con số giải ngân vốn đầu tư nước ngoài hơn là những con số đăng ký đầu tư.

Theo Lương Bằng (VietNamNet)

Nổi bật