Nhiều chủ trại lợn phủ nhận thông tin giá lợn hơi hiện đã tăng từ 8.000 – 10.000 đồng/kg so với thời điểm 15 ngày trước khi giá mặt hàng này chạm đáy. Trên bình diện chung cả nước, giá lợn hơi nhích tăng không đáng kể, người nuôi vẫn phải chịu cảnh thua lỗ lớn.
Không có chuyện giá lợn tăng 10.000 đồng/kg
Cập nhật tình hình giá lợn hơi đến chiều ngày 15/5 cho thấy, Đồng Nai là địa phương xuất mặt hàng này với giá cao nhất. Có thời điểm giá lợn xuất chuồng tại Đồng Nai lên 28.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tất cả các địa phương có tổng đàn lợn lớn ở miền Trung và miền Bắc giá phổ biến 20.000 – 22.000 đồng/kg. Ở thời điểm giá lợn lập đáy cách đây nửa tháng, lợn hơi phổ biến ở mức 19.000 – 20.000 đồng/kg.
Hiện nay, tại các trại lợn ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), giá lợn hơi trên 100kg có giá xuất chuồng từ 20.000 – 22.000 đồng/kg. Ở các huyện khác của tỉnh Nghệ An, giá phổ biến 22.000 – 23.000 đồng/kg. Theo anh Hồ Anh Tuấn, chủ trang trại nuôi lợn ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) thì giá bán lẻ xuất tại chỗ may mắn thì được giá 24.000 đồng/kg, giá bán theo xe chỉ 20.000 đồng/kg.
“Một vài ngày qua, thông tin giá lợn đã tăng từ 8.000 – 10.000 đồng/kg là không chính xác. Nếu có, nó chỉ xuất hiện ở một địa chỉ cụ thể được đơn vị nào đó giúp đỡ theo hình thức trợ giá. Tình hình chung giá lợn hơi vẫn thấp, nhiều người nuôi lợn đã vỡ nợ và sắp tới có lẽ sẽ còn nhiều hơn”, anh Hồ Anh Tuấn nói.
Ở Lý Nhân (Hà Nam) và một số huyện của tỉnh Thái Bình, giá lợn hơi xuất chuồng dao động từ 19.000 – 20.000 đồng/kg. Chỉ một số ít xuất được với giá 23.000 - 24.000 đồng/kg.
Theo tính toán của người chăn nuôi, để nuôi một con lợn nặng 100kg phải mất ít nhất 4 tháng, chi phí mua giống, thức ăn, thuốc thú y, thuê nhân công chăm sóc… cần khoảng hơn 3 triệu đồng. Với giá bán lợn hơi hiện tại, người nuôi sẽ lỗ khoảng 1,2 triệu đồng/ con. Ở thời điểm giá lợn xuống thấp nhất, mỗi con lợn 100 kg khiến người nuôi lỗ 1,5 triệu đồng. Loại lợn trọng lượng từ 130 kg, số tiền lỗ còn lớn hơn.
Trước đó, thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, nhằm giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn để ổn định và phát triển sản xuất, các Bộ ngành, đoàn thể liên quan ở Trung ương và các địa phương đều đã có các biện pháp triển khai cụ thể để “giải cứu” lợn. Nhờ đó đầu vào của chăn nuôi lợn đã giảm đáng kể, thức ăn chăn nuôi lợn giảm bình quân 200 đồng/kg, lãi suất tín dụng giảm và tiếp tục được cho vay mới.
Đáng chú ý, thị trường thịt lợn đã có những chuyển biến tích cực, giá lợn hơi tăng trung bình từ 5.000- 7.000 đồng/kg. Cục chăn nuôi thừa nhận tình hình chăn nuôi lợn vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị chức năng, các địa phương thống kê nhanh số lượng lợn nái và lợn thịt trong sản xuất, giá bán lợn hơi trung bình của các nhóm lợn xuất bán trên địa bàn.
Giá lợn hơi vẫn bết bát, trung gian ăn đủ
Ghi nhận tại chợ Thanh Trì (đường Phan Trọng Tuệ, huyện Thanh Trì, Hà Nội), Phùng Khoang (quận Hà Đông) ngày 15/5, giá lợn thịt đã có chiều hướng giảm so với những ngày trước. Sườn lợn hồi cuối tháng 4 có giá 100.0000 đồng/kg, nay giảm xuống còn 80.000 đồng/kg; thịt ba chỉ trước đó nửa tháng bán 80.000 đồng/kg, nay trên kệ chỉ bán với giá 60.000 đồng/kg. Giá lợn thịt thành phẩm ở các siêu thị tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Siêu thị Lotte Mart (quận Ba Đình) niêm yết thịt vai giá 98.000 đồng/kg, thịt đùi giá 99.000 đồng/kg, nạc dăm 107.000 đồng/kg, sườn 143.000 đồng/kg... Theo tính toán, giá thịt hiện tại đã giảm từ 15.000- 20.000 đồng/kg so với thời điểm một tuần trước đó nhưng vẫn chưa giảm đúng với kỳ vọng và tình hình thực tế của thị trường.
Theo xác nhận thông tin ban đầu thì thông tin giá lợn hơi tăng thường do tiểu thương thông tin để giữ giá bán. “Thấy giá thịt lợn vẫn cao tôi thắc mắc, chị bán hàng giải thích là lợn hơi không còn thấp như trước nữa mà đã tăng thêm 10.000 đồng/kg”, chị Hà Thị Huyền, ngõ 329 Cầu Giấy, Hà Nội cho biết. Khảo sát thông tin tại chợ Cầu Giấy, chợ Thành Công, thắc mắc vì giá thịt vẫn ở mức 60.000- 70.000 đồng/kg PV cũng nhận được thông tin từ người bán hàng là giá lợn hơi đã tăng từ 8.000- 10.000 đồng/kg.
Diễn biến giá lợn hơi xuống thấp lịch sử cho thấy rất nhiều bất cập trong khâu phân phối đến tiêu thụ các sản phẩm từ thịt lợn. Hiện nay, thương lái tích cực đi thu gom mua lợn, nhưng vẫn “dìm” người nuôi ở giá xuất chuồng cực thấp. Họ bán lại cho lò giết mổ. Sau đó, các lò này lại đẩy hàng cho người bán lẻ ở các chợ dân sinh để đến tay người tiêu dùng. Như vậy phải qua mấy khâu trung gian, chi phí “đội” lên khiến giá lợn thịt vẫn chưa tương ứng với thị trường lợn hơi đang bết bát như hiện nay. Cả người nuôi và người tiêu dùng vẫn đang phải chịu thiệt, mọi lời lãi rơi vào các khâu trung gian.
Để tránh “đội giá” ở những khâu trung gian, những ngày qua, các hàng thịt lợn tự phát mọc lên khắp nơi, từ các tuyến đường, ngõ phố trong khu dân cư thành thị đến các khu dân cư ở nông thôn. Lợn hơi trong dân rẻ, khó tiêu thụ nên nhiều gia đình chung tiền tự giết mổ để trữ thịt. Thậm chí, có những người trước đây chuyên mua rau ở các chợ quê đưa ra thành phố bán, nay chuyển sang bán thịt lợn với giá mềm hơn thị trường.
Nhiều đại diện siêu thị cho biết, giá bán lẻ cao bởi giá thịt lợn đầu vào từ các nhà cung cấp lớn giảm không nhiều. Hơn nữa, giá được ký hợp đồng từ trước thời điểm giá lợn hơi chưa giảm sâu và hệ thống siêu thị thường thanh toán trả chậm từ một đến hai tháng, cho nên bị tính vào giá thành cả chi phí lãi suất. Còn người bán hàng tại các chợ truyền thống thì cho rằng, vì phải bù lỗ vào chi phí vận chuyển, giết mổ, thuê mặt bằng bán hàng... họ không giảm giá thịt, hoặc giảm “nhỏ giọt”. Hiện tại, số lượng lợn “tồn kho” ở các địa phương còn rất nhiều. Trong đó, tỉnh Đồng Nai có hơn 300.000 con lợn đến kỳ xuất chuồng, thậm chí “quá lứa” nhưng chưa tiêu thụ được, tỉnh Quảng Ninh còn 40.000 con, tỉnh Tuyên Quang có hơn 52.000 con... |
Theo Hà Phương (Gia Đình & Xã Hội)