Tín dụng "đen" là vấn đề được nhắc đến nhiều gần đây, tuy nhiên khái niệm thế nào là tín dụng "đen" vẫn là còn gây tranh cãi.
Cầm đồ, cho vay nặng lãi, "bốc họ" là những thuật ngữ thường được nhiều người hiểu là tín dụng "đen" - một hoạt động tín dụng bất hợp pháp. Nhưng thực tế hoạt động này đã được quy định trong Luật dân sự và các Nghị định của Chính phủ.
Việc cầm cố tài sản và hoạt động cầm đồ được quy định trong Luật dân sự 2005 và Nghị định 96/2016 của Chính phủ. Theo đó, hoạt động cầm đồ được định nghĩa là kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay phải có tài sản hợp pháp để cầm cố.
Trong khi đó, dây họ, hụi được định nghĩa trong Nghị định 19/2019 là một họ hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa những người tham gia về thời gian, phần họ, thể thức góp, lĩnh họ, quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Dây họ có lãi là hình thức chơi họ mà các thành viên sau khi lĩnh họ phải trả lãi cho các thành viên khác.
Cầm đồ, chơi họ hay tín dụng tiêu dùng có nhiều đặc điểm tương đồng, như lãi suất cao, hình thức vay không cần tài sản đảm bảo, thời gian giải ngân nhanh. Và về bản chất, nếu theo đúng những quy định này thì các hoạt động trên sẽ là hợp pháp.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những hình thức cho vay này bị biến tướng thành tín dụng "đen. Hai hình thức điển hình cho sự biến tướng này là cầm đồ và cho vay nặng lãi.
Cầm đồ về khái niệm là việc mang các tài sản hợp pháp để cầm cố nhưng trên thực tế, tín dụng "đen" biến tướng dưới dạng cầm đồ thường cho người vay cầm cố bằng các giấy tờ định danh, ví dụ chứng minh thư hay sổ hộ khẩu. Khách hàng có thể vay nóng vài triệu cho tới vài chục triệu đồng chỉ bằng những giấy tờ này. Tuy nhiên, khi không có khả năng chi trả, bên cho vay sẽ không thanh lý tài sản mà gây áp lực với người đi vay hoặc nhân thân của họ bằng nhiều thủ đoạn đòi nợ manh động.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, việc phân biệt giữa các hình thức cho vay hợp pháp và bất hợp pháp đến nay vẫn chưa rõ ràng do không có một định nghĩa cụ thể thế nào là tín dụng "đen".
"Nhiều người vẫn hiểu khái niệm tín dụng đen là hoạt động cho vay nặng lãi hay nói cách khác là cho vay với lãi suất cao. Tuy nhiên nếu chỉ dùng đặc điểm này để xây dựng khái niệm tín dụng đen là chưa đầy đủ", ông Hải nói.
Theo ông Hải, định nghĩa tín dụng "đen" cần được phân biệt dựa trên hình thức và hậu quả. Khái niệm được luật sư này đưa ra cho tín dụng "đen" là hoạt động mà người cho vay có yếu tố lừa dối, ép buộc người đi vay hoặc có dấu hiệu xâm phạm tính mạng, sức khỏe, chiếm đoạt tài sản của người đi vay.
Có những trường hợp vay vốn mà người vay sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất vượt ngưỡng hình sự vì nhu cầu vì lợi ích thiết thực của chính họ. "Đây là mối quan hệ dân sự, miễn hai bên đồng thuận. Không thể lý luận cần xử lý hình sự cho vay nặng lãi để tránh bóc lột. Điều này không phù hợp với thị trường", Giám đốc Công ty Luật Basico cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng tín dụng các ngành kinh tế cũng nhận xét, mặc dù có đến 78 ngân hàng, công ty tài chính và hàng nghìn quỹ tín dụng nhân dân, tình hình tín dụng "đen" vẫn diễn biến phức tạp. Một phần lý do là việc triển khai các sản phẩm cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cấp bách vẫn còn nhiều hạn chế dẫn tới nhu cầu sử dụng tín dụng "đen" vẫn còn cao.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích, sự thiếu hụt nguồn cung đối với các khoản vay giá trị nhỏ, việc tiếp cận của các tổ chức tín dụng còn thiếu tính bao trùm khi học sinh, sinh viên, nông dân được vay rất ít.
Theo số liệu từ chuyên gia này, ngay cả với khách hàng được vay, nhu cầu tín dụng thực tế vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ khi trên 50% khách hàng tại công ty tài chính và 60% tại ngân hàng thương mại chỉ được đáp ứng chưa tới 70% nhu cầu vốn.
Theo Minh Sơn (VnExpress.net)