Một khảo sát tại Việt Nam năm ngoái cho biết, Youtube chiếm thị phần lớn nhất về truyền hình trực tuyến, với hơn 87% người được hỏi có dùng nền tảng này. Trước đó, năm 2017, đại diện nền tảng từng tuyên bố cứ 4 người Việt dùng smartphone thì có 3 người xem YouTube trên thiết bị đó.
Giới quảng cáo thừa nhận đây là nền tảng quảng cáo trên video chủ lực hiện tại. Tuy nhiên, sau những lùm xùm về nội dung phản cảm kiểu 'Khá Bảnh', các nhãn hàng phải căng mình theo dõi 'hot trend' (xu hướng đang thịnh hành) để né sự hiện diện khỏi các trào lưu xấu, đào sâu báo cáo của đại lý quảng cáo và ra "đề bài" khó hơn khi thiết lập bộ lọc hiển thị thương hiệu trên Youtube.
Trong khi bị Bloomberg đặt vấn đề rằng lãnh đạo Youtube toàn cầu quá tập vào tăng thời lượng xem mà "không thể hoặc không muốn thực hiện cảnh báo về các video cực đoan và gây hiểu lầm", thì tại Việt Nam, những tên tuổi khác như Facebook, TikTok đang thu hút người xem video bằng những chiêu mới.
Theo thống kê của We Are Social năm 2018, Facebook có 58 triệu người dùng tại Việt Nam. Nền tảng này đẩy mạnh thu hút người dùng sử dụng nền tảng con chuyên về video là Facebook Wacth. Cùng với những thị trường khác, nửa năm nay, Facebook tổ chức một game đố vui trực tuyến vào vài buổi tối cố định trong tuần và trao thưởng bằng tiền qua chuyển khoản.
Nhằm chiêu mộ càng nhiều người chơi, MC của chương trình liên tục kêu gọi người xem chia sẻ để tăng cơ hội thắng. Vài hôm trở lại đây, MC còn đặt ra phần thưởng nếu người chơi kêu gọi nhau tham gia để đạt con số 300.000 người chơi cùng lúc.
Trẻ nhất trong bộ 3, TikTok chỉ vừa chính thức ra mắt sau khoảng một năm "bày binh bố trận" tại Việt Nam. Khác với Youtube và Facebook,vốn không lập công ty con hay văn phòng đại diện, TikTok có trụ sở làm việc trong tòa nhà hạng A ở trung tâm TP HCM, làm "hàng xóm" với những tên tuổi trong ngành Internet khác như Lazada, Shopee.
TikTok tuyên bố cán mốc 12 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng tại Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2019. Nền tảng đã có hơn 1.000 nhà sáng tạo nội dung chính thức, là nghệ sĩ, người có ảnh hưởng và đơn vị sản xuất nội dung.
"Một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi năm nay là đảm bảo người dùng có thể tìm thấy tất cả các thể loại nội dung trên nền tảng, bất kể là nội dung giải trí, học tập hay các xu hướng truyền cảm hứng", ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách của TikTok Việt Nam nói muốn tăng gấp ba số lượng nhà sáng tạo nội dung chính thức, lên 3.000, vào cuối năm nay.
Đại diện đơn vị này khẳng định chưa có kế hoạch về khai thác quảng cáo trên TikTok Việt Nam. Những nhà sáng tạo nội dung cũng không được trả tiền. Tuy nhiên, theo quan sát, người dùng vẫn bắt gặp các quảng cáo tự động do Google chèn vào trong quá trình lướt xem các video.
Dù vậy, nền tảng này đang chứng tỏ một tham vọng không nhỏ liên tiếp công bố các hợp tác với nhiều đơn vị ở Việt Nam, bao gồm VTV, VTVCab, Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP HCM hay Sở Du lịch Đà Nẵng. "Chúng tôi tin rằng những nét độc đáo của du lịch Đà Nẵng sẽ được lan truyền và quảng bá theo một phương thức đầy cảm hứng khắp năm châu", ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng bình luận về mối quan hệ.
Nghiên cứu "Thu hút – Chuyển đổi – Tái tương tác" của Criteo cho biết, trong khi truyền hình và in ấn là 2 kênh hàng đầu ở Việt Nam trong chi tiêu quảng cáo, thì quảng cáo trực tuyến có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm 27% (CAGR) từ năm 2014 đến năm 2017.
Với hơn 34% người dùng có từ hai thiết bị có thể kết nối trở lên vào năm 2022, Criteo tự tin dự đoán 89% tổng ngân sách tiếp thị sẽ được đầu tư vào mảng trực tuyến trong năm 2022.
Kết hợp với nghiên cứu này, một con số khác sẽ rất đáng suy nghĩ nếu nhìn vào lý do các đơn vị tích cực xem video là nền tảng quảng cáo trực tuyến đầy hứa hẹn. Cụ thể, thông tin được Adsota tổng hợp cho biết, giai đoạn 2017-2018, tỷ lệ người Việt truy cập Internet có xem video bằng máy tính là 32% và bằng smartphone là 79%.
Theo Viễn Thông (VnExpress.net)