Trong chiến dịch dẹp vỉa hè đang được thực hiện ráo riết trên địa bàn thủ đô, nhiều tiểu thương buôn bán tại các khu chợ cóc lo có thể mất việc, mất nguồn thu nhập kiếm sống.
Hà Nội có vô số chợ cóc mọc lên từ trung tâm thành phố lẫn vùng ven. Loại hình chợ này tuy mang lại sự tiện lợi cho người dân trong sinh hoạt nhưng gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị đã nhiều năm qua. |
Người buôn bán có thể tận dụng bất kể vị trí nào trên vỉa hè, ven đường bày đặt hàng. Có người xếp rau củ xung quanh vỉa hè, gốc cây. |
Có người để hàng ngay trên xe, thuận tiện cho việc “tẩu thoát” khi lực lượng chức năng đi kiểm tra. |
Hoặc có người bày bán hàng nép trong một góc khuất. |
Các ngõ nhỏ được coi là nơi “trú ẩn” an toàn của những người bán thịt cá, rau quả. Công an, cảnh sát khu vực thường không vào đây để đuổi họ. |
Hàng ngày, anh Trình (Từ Sơn, Bắc Ninh) và vợ dậy từ 2h đi lấy cá rồi mang đến một chợ cóc ở phố Hoàng Cầu để bán. Anh cho biết ngày nào bán đắt hàng sẽ lãi từ 300.000-350.000 đồng. Ngày ế ẩm thì coi như hôm ấy gia đình anh lại có bữa cải thiện. |
"Hai vợ chồng đi miết từ sáng sớm tinh mơ đến quá trưa mới về", người vợ giãi bày. |
“Ngày mưa to quá tôi mới dám nghỉ, còn khi mưa nhỏ thì mặc áo mưa chiến đấu”. |
“Bên phường họ cũng vừa đuổi đấy. Hai vợ chồng mỗi người cắp một chậu cá đi lòng vòng rồi lại về chỗ cũ. Có lần tôi bị giữ xe và phạt 2,5 triệu đồng. Đành phải chịu chứ giờ không bán cá thì cũng về làm ruộng thôi”, anh nói. |
“Khu này ngày trước đông người bán lắm, nhưng nửa tháng gần đây vơi đi một nửa rồi”, chị Mai (Hưng Yên) chia sẻ. |
Là người có “kinh nghiệm” bán hàng ở phố Phan Huy Chú hơn chục năm nay, chị Mai thuê hẳn nhà để bán: “Tôi bày đồ trong nhà với bậc cửa, không ảnh hưởng gì đến vỉa hè, chứ như chị kia thì bị đuổi suốt”, chị vừa nói chị vừa chỉ sang người phụ nữ đồng hương có gánh rau bên cạnh. |
“Ngồi bán hàng mà cứ nhấp nhổm lo có người đến kiểm tra. Hôm nào bị thu thì coi như mất trắng cả chì lẫn chài. |
Đến mùa thì tôi về quê cấy hái, sau đó lại lên Hà Nội để buôn bán, một đứa con học đại học và một đứa cấp 2 trông cả vào gánh rau của mẹ", người bán rau này cho biết. |
Anh Mã (huyện Đông Anh) chia sẻ: “Tôi thuê trước cửa nhà này để bán nên cũng không lo bị dẹp. Nhưng nếu trường hợp xấu xảy ra thì lại phải tính kế khác sinh nhai thôi”. |
Với hai lọ dưa và cà muối, cụ bà 93 tuổi vẫn hàng ngày ngồi bên góc đường để kiếm sống. |
“Tôi là đàn ông, còn có sức khỏe thì không sợ không tìm được việc khác, nhưng như cụ không con không cháu thì cũng không biết phải làm thế nào”, anh Mã băn khoăn. |
Bà Thủy (Vạn Kiếp) thường mua hàng ở các khu chợ cóc, bởi theo bà, nếu biết nhìn thì rau củ của người bán mang từ vườn lên khá sạch sẽ, hơn nữa lại tiết kiệm thời gian. |
Chỉ cần vài ba người bán hàng tụ lại một điểm quanh một góc phố là thành chợ cóc. Người mua không mất thời gian gửi xe, mua được thực phẩm cần thiết trong 5-10 phút. Người bán chủ yếu là dân ngoại tỉnh lên Hà Nội mưu sinh. |
Theo Quỳnh Trang (Tri Thức Trực Tuyến)