Tiêu gần 35.000 tỷ trong 11 tháng, Bộ GTVT đứng tốp đầu về giải ngân

24/11/2022 20:46:43

Bộ GTVT đã giải ngân vốn ngân sách 34.900 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2022. Mức giải ngân này duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.

Chiều 24/11, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ giải ngân và tiến độ các dự án do Bộ GTVT quản lý, ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Kế hoạch - Đầu tư cho biết, dự kiến đến hết tháng 11/2022, Bộ GTVT giải ngân được 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch được bổ sung (69,4% so kế hoạch giao đầu năm).

Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cũng cho thấy, kết quả giải ngân hết tháng 11/2022 của Bộ GTVT (62,4%) duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (Bộ Tài chính dự kiến cả nước giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 11 khoảng 57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao).

Tiêu gần 35.000 tỷ trong 11 tháng, Bộ GTVT đứng tốp đầu về giải ngân
Các dự án cao tốc Bắc Nam đang được triển khai quyết liệt, một số dự án sẽ hoàn thành trong năm 2022. Ảnh: CTV.

Theo ông Thìn, từ nay tới ngày 31/1/2023, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.151 tỷ đồng. Số lượng vốn tập trung tại các dự án của các Chủ đầu tư/Ban QLDA lớn thuộc Bộ khoảng 12.218 tỷ đồng (60,6%) và dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của VIDIFI là 4.723 tỷ đồng (23,4%).

Trong đó, 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được giao kế hoạch vốn 16.034 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 12.439 tỷ đồng (77,6%), kế hoạch còn lại phải giải ngân 3.595 tỷ đồng.

12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được giao kế hoạch 9.521 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 4.553 tỷ đồng (47,8%), kế hoạch còn lại phải giải ngân 4.968 tỷ đồng.

Đối với nhóm các dự án ODA, kế hoạch đã giao 5.440 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 3.709 tỷ đồng (68,2%), kế hoạch còn lại chưa giải ngân 1.731 tỷ đồng, tập trung ở 8 dự án: Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch là 350 tỷ đồng; dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là 296 tỷ đồng. Dự án kết nối giao thông khu vực miền núi phía Bắc là 211 tỷ đồng; Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên 92 tỷ đồng; Dự án VRAMP 109 tỷ đồng.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 98 tỷ đồng; Dự án WB6 kênh nối Đáy - Ninh Cơ 92 tỷ đồng và dự án tuyến nối QL91 - tránh Long Xuyên 92 tỷ đồng.

Các dự án trọng điểm, cấp bách được giao kế hoạch vốn 3.243 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 2.399 tỷ đồng (74%), kế hoạch còn lại chưa giải ngân 874 tỷ đồng, tập trung ở 6 dự án: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là 242 tỷ đồng; tuyến nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình là 241 tỷ đồng…

Các dự án giao thông trong nước còn lại được giao kế hoạch vốn 20.812 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 11.798 tỷ đồng (56,7%), kế hoạch còn lại chưa giải ngân 9.013 tỷ đồng tập trung ở 20 dự án, trong đó có dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 4.723 tỷ đồng; Tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột 334 tỷ đồng; Nâng cấp luồng Cái Mép - Thị Vải 268 tỷ đồng; Cầu Rạch Miễu 2 là 239 tỷ đồng; Dự án đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn 227 tỷ đồng; Dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang - Sài Gòn 215 tỷ đồng…

Trao đổi với P.V VietNamNet, ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, sau khi một số dự án được điều chỉnh kế hoạch đến nay đã bắt kịp tiến độ, thậm chí có dự án vượt kế hoạch tiến độ đề ra. 

Đặc biệt là việc Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo nhà nước về các công trình trọng điểm giao thông do Thủ tướng làm trưởng ban nên sự chỉ đạo triển khai dự án được xuyên suốt, quyết liệt, tất cả những khó khăn vướng mắc đã được tháo gỡ kịp thời đối với các dự án giao thông.

Theo Vũ Điệp (VietNamNet)