Còn khoảng nửa tháng là tới Tết Dương lịch 2020 và khoảng 40 ngày tới Tết Nguyên đán 2020 Canh Tý. Từ nay đến Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu chi trả tiền thưởng, lương tháng thứ 13 cho nhân viên, lao động trong công ty.
Con số thưởng với mỗi cá nhân, vị trí công tác, doanh nghiệp khác nhau nhưng tất cả khoản thưởng Tết đều phải chịu thuế Thu nhập cá nhân.
Thưởng Tết và lương tháng thứ 13 phải chịu thuế TNCN
Quy định tại Điều 3, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012, thu nhập chịu thuế được nhắc tới bao gồm cả các khoản phụ cấp, trợ cấp, và tiền thưởng... Vì vậy, tiền thưởng Tết sẽ bắt buộc phải nộp thuế TNCN như tiền lương hàng tháng.
Khi phát sinh thu nhập, cá nhân sẽ phải chịu thuế TNCN đối với Nhà nước (trừ một số trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật).
Cách tính thuế với tiền thưởng Tết hiện dựa trên biểu thuế luỹ tiến từng phần như với thu nhập từ tiền công, tiền lương, mỗi bậc thu nhập có thuế suất tương ứng 5-35%.
Trường hợp người lao động nhận thưởng Tết 10 triệu đồng, thuộc bậc 2 (từ 5 đến 10 triệu).
Số thuế phải đóng là: (5 triệu x 5%) + [(10-5) triệu x 10%] = 0,75 triệu.
Trong khi đó, nếu tiền thưởng Tết là 30 triệu, thuộc bậc 4 (từ 18 đến 32 triệu).
Số tiền phải đóng thuế là:(5 triệu x 5%) + (5 triệu x 10%) + (8 triệu x 15%) + [(30-18) triệu x 20%] = 4,35 triệu.
Trên thực tế, khi nhận tiền thưởng Tết và thông báo chi tiết của kế toán hoặc nhân sự, người lao động sẽ thấy số thuế bị trừ có thể ít hơn quy định. Nguyên nhân do đây là mức thuế tạm tính được phân bổ để trừ theo tháng. Muốn biết con số chính xác người lao động sẽ phải chờ đến kỳ quyết toán thuế vào năm sau.
Cũng bởi cách tính này nên nhiều trường hợp khi nhận thưởng Tết của năm sau đã bị truy thu tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng do khoản thuế thu nhập từ thưởng Tết chưa được tính toán đủ.
Làm chưa đủ 12 tháng cũng được thưởng Tết
Trong trường hợp nhân viên làm việc tại công ty chưa đủ 12 tháng vẫn có thể nhận tiền thưởng Tết nếu hợp đồng lao động hai bên đã ký có quy định các khoản thưởng công việc vào cuối năm. Tuy nhiên, khoản tiền thưởng nhận về chắc chắn sẽ thấp hơn vị trí tương tự làm đủ một năm lao động.
Ngoài ra, pháp luật hiện tại cũng cho phép doanh nghiệp có thể thưởng cho nhân viên bằng sản phẩm thay vì tiền mặt. Thực tế những năm trước đã có nhiều doanh nghiệp thưởng Tết cho nhân viên bằng hiện vật như dầu ăn, nước mắm, bánh kẹo, quần áo, tương ớt…
Trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) 2019 vừa được Quốc hội thông qua thay thế cho Bộ luật Lao động 2012 cũng nhắc tới quy định này.
Điều 104 quy định mới về "thưởng" thay vì "tiền thưởng", trong đó, hưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho nhân viên dựa vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc.
Ngoài ra, theo Khoản 1, Điều 103 của Bộ luật Lao động 2012, tiền thưởng tết do người sử dụng lao động quyết định. Vì vậy, doanh nghiệp sử dụng lao động không bắt buộc phải thưởng Tết cho nhân viên. Tuy nhiên, nếu việc chi thưởng được quy định trong hợp đồng hai bên đã ký kết, doanh nghiệp bắt buộc phải chi thưởng như đã cam kết.
Do không phải là khoản thưởng bắt buộc nên doanh nghiệp không nhất thiết phải thưởng hai lần vào Tết Dương lịch và Âm lịch.
Hiền Lê (SHTT)