Tiến sỹ Huỳnh Thế Du: Đặc khu kinh tế khó thành công nếu chọn sai vị trí

01/05/2018 07:21:40

Theo chuyên gia này, Vân Đồn triển vọng nhất, Phú Quốc có thể phát triển còn Bắc Vân Phong khó nhìn thấy tiềm năng nhất.

Quan điểm này được Tiến sỹ Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Fulbright nêu khi chia sẻ với VnExpress về phát triển ba đặc khu kinh tế tại Việt Nam. 

Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đang được lựa chọn để thí điểm xây dựng thành đặc khu hành chính kinh tế ở Việt Nam. Ông nghĩ sao về sự lựa chọn này?

- Thực tế tôi chưa thấy mục tiêu, tầm nhìn rõ ràng trong lựa chọn xây dựng 3 đặc khu này. Ở góc độ nào đó, việc phát triển đặc khu kinh tế tại ba khu vực Bắc – Trung – Nam là cần thiết, nhưng khi nhìn vào câu chuyện cạnh tranh toàn cầu giữa các quốc gia thì đó là cuộc tranh đua giữa các đô thị trung tâm để thu hút các doanh nghiệp ngoại, các tập đoàn tầm cỡ quốc tế.

Tiến sỹ Huỳnh Thế Du: Đặc khu kinh tế khó thành công nếu chọn sai vị trí
Tiến sỹ Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Fulbright. 

Như bạn thấy khi nhắc tới nền kinh tế quốc gia có sức cạnh tranh người ta thường nhắc đến Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản) hay Seoul (Hàn Quốc)… Có nghĩa những nền tảng phát triển phải tập trung tại khu vực đô thị gắn với công nghiệp hoá. Tức là muốn tạo dựng nền kinh tế quốc gia có sức cạnh tranh thì phải gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những nền tảng phát triển ở đô thị. Chính các thành phố lớn mới tạo ra cạnh tranh kinh tế quốc gia.

Việt Nam thì ngược lại khi cho rằng các thành phố, đô thị tập trung quá đông dân nên cần giãn ra và phải tập trung đầu tư cho nông thôn. Đó là cách tiếp cận đi ngược xu hướng phát triển.

- Vậy ông hình dung ra sao về tương lai các đặc khu kinh tế Việt Nam cùng với loạt cơ chế đặc thù, ưu đãi?

- Theo tôi, trong 3 nơi được lựa chọn, Vân Đồn là nơi có tiềm năng thành công nhất nếu nhìn vào sự tương hỗ, gắn kết giữa kinh tế Việt Nam và Trung Quốc. Phú Quốc có thể phát triển cụm ngành du lịch. Còn Bắc Vân Phong, thú thực tôi chưa thấy được chỗ dựa phát triển hay nền tảng để thành công ở đây là gì.

Hình dung tương lai Phú Quốc, Vân Đồn hay Bắc Vân Phong có thể có cái này cái kia, nhưng ba khu vực này có đột phá để thành “cú hích” hay “cú đấm thép” đưa nền kinh tế đi lên hay không, tôi e khả năng là khó.

Sau hơn 20 năm đã có hàng ngàn đặc khu kinh tế được thành lập khắp thế giới, rất nhiều trong số đó đã thành công nhưng cũng không ít đang đối mặt nguy cơ thất bại. Theo ông, Việt Nam cần học gì từ những thành – bại đó?

- Muốn phát triển đặc khu kinh tế bất kỳ quốc gia nào cũng cần xác định mục tiêu và tầm nhìn. Mục tiêu trong phát triển đặc khu kinh tế trên thế giới để tạo “cú hích” cho kinh tế, gồm: thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển cơ sở hạ tầng; hỗ trợ cho chiến lược kinh tế rộng lớn hơn; đặc khu là “lồng ấp” thể chế hay “phòng thí nghiệm” chính sách mới và giải toả một phần áp lực tăng dân số, việc làm…

Cụ thể hoá, trước tiên đặc khu kinh tế cần một chỗ dựa, tức là vị trí đặt đặc khu phải gần trung tâm, thị trường rộng lớn. Ví dụ Thâm Quyến là sự lựa chọn hợp lý do nằm ở bờ bên kia của Hong Kong và sau lưng là thị trường Trung Quốc đại lục rộng lớn. Hay đặc khu Iskandar (Malaysia) được phát triển vì có điểm tựa Singapore, gần tuyến đường biển quốc tế…

Với Việt Nam, nếu chúng ta đặt mục tiêu thu hút doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia vào các đặc khu kinh tế, tôi cho rằng vị trí tốt nhất để xây dựng đặc khu là khu vực Hoà Lạc (Hà Nội) và Thủ Thiêm (TP HCM). Bởi tại đây hội đủ các yếu tố đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhà đầu tư, như điều kiện thu hút nhân tài; hạ tầng cứng, mềm đang phát triển, cửa ngõ giao thương với nước ngoài...

Chẳng hạn nếu nhà đầu tư vào Vân Đồn họ cần tới hàng nghìn kỹ sư, lao động chất lượng cao thì địa phương có thể đáp ứng được ngay không? Rất khó. Nhưng sẽ đơn giản nếu vị trí đặt gần Hà Nội, ở đó có người giỏi, mà người giỏi không phải một, mà là cộng đồng. Tốt nhất nên tập trung đưa hai đầu tàu Hà Nội, TP HCM đi lên để kéo đoàn tàu kinh tế cả nước.

Tiến sỹ Huỳnh Thế Du: Đặc khu kinh tế khó thành công nếu chọn sai vị trí - 1

- Đặc khu kinh tế ở Việt Nam, theo ông nên có gì, cần gì?

- Trước tiên là cần xác định đúng vị trí đặt đặc khu kinh tế. Để đặc khu kinh tế có thể thành công thì vị trí nơi có thị trường rộng lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào và hệ thống các dịch vụ hỗ trợ dày đặc là hết sức quan trọng, chứ không phải đưa ra những ưu đãi cao hơn thì coi đó là vượt trội.

Chúng ta hình dung thế này, trợ cấp hay ưu đãi chỉ dành cho những người yếu, còn người khoẻ thì không. Tương tự, đặc khu kinh tế phải trao quyền tối cao để nhà đầu tư được làm mọi thứ, thử nghiệm những khuôn khổ chính sách khác, vượt trội chứ không đơn thuần đưa ra ưu đãi về thuế, đất đai, tài chính…

Thứ nữa về chính sách, thể chế đột phá đủ mạnh, tốt thu hút nguồn lực đầu tư trong, ngoài nước; nguồn nhân lực và hạ tầng giao thông. Nên cho các nhà đầu tư tự do tối đa trong hoạt động kinh doanh. Ví dụ, đặc khu Phố Đông của Thượng Hải (Trung Quốc) thành công là nhờ họ mở tối đa với nhà đầu tư, như cho phép nhà đầu tư thông báo hoạt động kinh doanh thay vì đăng ký kinh doanh; đưa ra danh sách ngành nghề cấm kinh doanh thay vì cho phép…

Phải đặt đặc khu kinh tế trong chiến lược phát triển tổng thể, rõ ràng mà điều này tôi chưa thấy rõ trong dự thảo luật. Đồng thời, trao quyền tự quyết nhiều hơn cho người đứng đầu đặc khu, tránh tình trạng một nhà đầu muốn rót lượng vốn lớn vào đặc khu cùng với điều kiện đi kèm thì lại phải hỏi ý kiến cấp có thẩm quyền mới dám quyết thì cơ hội đã tuột khỏi tầm tay.

Về nguồn vốn xây dựng các đặc khu kinh tế, theo dự tính sẽ cần trên 1,5 triệu tỷ đồng. Ông nghĩ sao về con số này?

- Trong số hơn 1,5 triệu tỷ đồng cần để xây dựng 3 đặc khu kinh tế tới năm 2030 thì ngân sách Nhà nước sẽ chỉ bỏ một phần, còn lại huy động từ các nguồn vốn khác. Giai đoạn đầu tôi nghĩ cũng cần phải dùng ngân sách để xây dựng một số hạ tầng, song việc huy động nguồn lực lớn vào phát triển 3 đặc khu kinh tế phải tính tới hiệu quả đầu tư.

Cần tính toán một đồng vốn bỏ ra đầu tư vào đặc khu có tạo ra hơn một đồng nếu rót vào Hà Nội, TP HCM – những nơi đang tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất hay không. Liệu lợi ích đặc khu mang lại có lớn hơn chi phí bỏ ra hay không, cần cân nhắc. Nếu chúng ta bỏ hàng triệu tỷ đồng đầu tư mà không đo đếm được hiệu quả thì chuyện thâm thủng ngân sách sẽ tiếp diễn.

Theo Anh Minh (VnExpress.net)

Nổi bật