Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 2, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm.
Như vậy, sau khi sụt giảm vào tháng đầu năm, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã quay lại đà tăng.
Trong khi tiền người dân gửi ngân hàng tăng cao thì tiền gửi của khối tổ chức, doanh nghiệp lại giảm mạnh. Nhóm này gửi 6,52 triệu tỷ đồng tại hệ thống ngân hàng, giảm 4,66% so với đầu năm. Đà giảm của khối doanh nghiệp kéo tổng tiền gửi chảy vào hệ thống tính đến tháng 2 giảm nhẹ, từ hơn 13,17 triệu tỷ vào cuối tháng 1 xuống còn 13,16 triệu tỷ.
Trước đó, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng cuối tháng 1 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Tiền gửi quay lại hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn còn thấp dù các nhà băng bắt đầu điều chỉnh tăng trở lại.
Tại cuộc họp báo ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 31/3 lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023.
Theo số liệu tổng hợp báo cáo tài chính quý I năm nay của 27 ngân hàng thương mại trong nước, tổng tiền gửi khách hàng của toàn ngành ngân hàng chỉ tăng nhẹ 0,7% so với cuối năm 2023, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục có xu hướng giảm trong những tháng đầu năm.
3 ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất trong quý vừa qua vẫn là các ngân hàng trong nhóm ngân hàng quốc doanh doanh với tổng số tiền đạt hơn 4,51 triệu tỷ đồng, tăng 544.621 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Con số này cũng chiếm đến gần 46% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống.
BIDV tiếp tục dẫn đầu với tổng số tiền gửi trong quý vừa qua đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với thời điểm cuối năm 2023. Đứng vị trí thứ 2 là ngân hàng VietinBank với mức số dư tiền gửi đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,2%. Ngân hàng Vietcombank có tổng tiền gửi khách hàng quý vừa qua ở mức 1,3 triệu tỷ đồng, giảm 3,4% và xếp vị trí thứ 3.
Với nhóm các ngân hàng cổ phần, ngân hàng MB tiếp tục dẫn đầu với 558.826 tỷ đồng tiền gửi trong quý I, giảm 1,5% và đứng thứ 4 toàn ngành. Theo sau là Sacombank với số dư tiền gửi đạt 533.358 tỷ đồng, sau khi tăng 4,4%.
Trong khi đó, ACB vẫn đứng vững ở vị trí thứ 6 với tổng tiền gửi tăng 2,1% lên mức 492.804 tỷ đồng. 4 vị trí còn lại lần lượt thuộc về Techcombank (458.040 tỷ đồng, tăng 0,8%), VPBank (455.817 tỷ đồng, tăng 3%) SHB (444.297 tỷ đồng, giảm 0,7%), HDBank (378.789 tỷ đồng, tăng 2,2%).
Ngoài top 10 nêu trên, một số ngân hàng thương mại khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi khách hàng tăng trong quý vừa qua. Cụ thể, SeABank đạt 154.371 tỷ đồng (tăng 6,6%); Nam A Bank đạt 151.160 tỷ đồng (tăng 3,9%); MSB đạt 137.823 tỷ đồng (tăng 4,1%); Nam A Bank đạt 798,1 tỷ đồng (tăng 31%); VietBank đạt 93.436 tỷ đồng (tăng 3,8%)...
Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)