Theo Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị. Mức lương cơ sở và hệ số lương sẽ bị bãi bỏ, xây dựng hệ thống bảng lương theo vị trí việc làm.
Các chuyên gia về tiền lương cho rằng, lương của cán bộ, công chức, viên chức nhiều năm qua đều được tính theo một công thức chung là hệ số lương (bậc lương) x mức lương cơ sở. Người công tác càng lâu lương sẽ càng tăng (cứ sau 03 năm lại được nâng bậc lương) mà không căn cứ vào chất lượng, hiệu quả công việc.
Cách thức trả lương này rất “cào bằng”, không đánh giá được đúng năng lực, vị trí của cán bộ, công chức, viên chức; không tạo động lực cống hiến cho những người thật sự có tài, cũng như không khuyến khích, thu hút được những người giỏi về công tác tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị quyết 27 chỉ rõ yêu cầu: “Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành”.
Theo đó, mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm; mỗi vị trí việc làm có mức lương riêng cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc, không còn “cào bằng” giữa mọi ngành như hiện nay.
Người dù mới được tuyển dụng/bổ nhiệm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc. Riêng những người giữ chức vụ lãnh đạo được hưởng lương theo chức danh, chức vụ đang giữ.
Như vậy, tiền lương theo vị trí việc làm là tiền lương được trả theo đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của cán bộ, công chức, viên chức, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại.
Tuy nhiên, việc áp dụng trả lương theo vị trí việc làm từ năm 2021 rất khó có thể thực hiện do các ảnh hưởng của đại dịch Covid 19.
Trước đó, cũng do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, từ ngày 01/7/2020, lương cơ sở đã không tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng mà giữ nguyên mức 1,49 triệu đồng/tháng.
Tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 phần nhiều cũng sẽ không tăng. Bởi tháng 8 vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp và thống nhất với phương án: Tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021. Phương án này đã được trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Như vậy, đến thời điểm này, tác động của đại dịch Covid 19 với người lao động ngày càng thể hiện rõ, dễ thấy nhất là vấn đề tiền lương bị ảnh hưởng nặng nề./.
theo An Nhi (VOV)