Tiền đồng Việt Nam vẫn lên giá và chịu áp lực

03/12/2015 15:55:51

Áp lực tỷ giá VNĐ/USD được dịu đi sau vài lần Việt Nam phá giá tiền đồng và quản lý tỷ giá linh hoạt hơn nhưng tiền đồng Việt Nam vẫn lên giá khi so sánh với tiền tệ của các đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Áp lực tỷ giá VNĐ/USD được dịu đi sau vài lần Việt Nam phá giá tiền đồng và quản lý tỷ giá linh hoạt hơn nhưng tiền đồng Việt Nam vẫn lên giá khi so sánh với tiền tệ của các đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Ông Sandeep Mahjan-Kinh tế trưởng của WB nhận định: “Tiền đồng Việt Nam dù đã phá giá và mở rộng biên độ giao dịch nhưng nó vẫn lại lên giá khi so sánh với các đồng tiền khác như đồng euro của châu Âu, đồng yên Nhật Bản, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đô-la Singapore và đồng bath của Thái”.

Theo ông Sandeep, mặc dù có nhiều biến động trên thị trường tiền tệ quốc tế nhưng áp lực tỷ giá đồng Việt Nam đã được điều chỉnh thông qua chính sách phá giá từ từ. Kể từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD (tổng cộng 3%) và nới biên độ giao dịch từ +/- 1 lên +/-3%. Biện pháp này phần nào ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ và duy trì năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh các đồng tiền mạnh khác mất giá nhiều so với USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiền của các đối tác thương mại chính của Việt Nam tiếp tục bị mất giá so với USD thì tỷ giá tiền đồng Việt Nam vẫn còn chịu nhiều áp lực.
“Tôi vẫn biết rất khó để dự đoán tỷ giá tới đây của Việt Nam biến động ra sao, nhưng tôi đã nhìn thấy áp lực. Không chỉ là Mỹ dự báo tăng lãi suất mà các đồng tiền mạnh như euro và yên đang tiếp tục được áp dụng chính sách giảm giá, chưa kể biến động của các dòng tài chính toàn cầu” -ông Sandeep nói. Theo chuyên gia kinh tế trưởng WB, trong bối cảnh thị trường tài chính biến động như vậy, Việt Nam cần linh hoạt chính sách vĩ mô, tỷ giá như đã làm. “Việt Nam cần chuẩn bị ngay chính sách ứng phó với các cú sốc trong điều chỉnh chính sách tiền tệ nếu thanh khoản thế giới bị thắt chặt lại. Một tỷ giá linh hoạt của Việt Nam sẽ giải quyết được các cú sốc, nhất là Việt Nam cần lưu ý khi đồng tiền của mình đang tăng lên so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chủ chốt” - ông Sandeep khuyến nghị.
 

Trên thị trường tỷ giá hôm nay, tỷ giá VNĐ/USD biến động nhẹ. So với ngày hôm qua, tỷ giá niêm yết tại hầu hết các ngân hàng thương mại đều được điều chỉnh theo những chiều hướng khác nhau, tuy nhiên biên độ dao động không quá lớn, trong khoảng 10 – 25 đồng/USD. Ngân hàng Vietcombank, Dong A Bank cùng niêm yết tỷ giá VNĐ/USD tại mức mua vào là 22.460 đồng/USD và bán ra là 22.530 đồng/USD, giảm 10 đồng/USD ở cả hai chiều. USD được giao dịch tại ngân hàng Vietinbank ở mức mua vào là 22.445 đồng/USD và bán ra ở ngưỡng 22.515 đồng/USD, giảm 15 đồng/USD chiều mua vào và 25 đồng/USD chiều bán ra so với ngày hôm qua. Ngân hàng Eximbank điều chỉnh giảm 10 đồng/USD ở cả hai chiều mua và bán, tỷ giá VNĐ/USD được niêm yết ở mức 22.440 – 22.530 đồng/USD. USD được niêm yết ở ngân hàng Techcombank ở mức mua vào là 22.420 đồng/USD và bán ra ở mức 22.540 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD chiều bán ra, chiều mua vào tiếp tục được giữ nguyên. Tỷ giá niêm yết tại ngân hàng BIDV ở mức mua vào – bán ra là 22.465 – 22.535 đồng/USD, tăng 5 đồng/USD ở cả hai chiều mua và bán.

Theo Mai Hương (Dân Việt)

Nổi bật